Antonin Panenka và cú bấm bóng bất tử

Thứ sáu, 23/06/2017 03:50 (GMT+7)

Antonin Panenka năm nay 68 tuổi, đã giải nghệ gần 30 năm. Nhưng tên tuổi của ông vẫn được nhắc tới hàng năm, vào dịp sinh nhật danh thủ này, và vào cái ngày diễn ra trận chung kết Euro...

Antonin Panenka năm nay 68 tuổi, đã giải nghệ gần 30 năm. Nhưng tên tuổi của ông vẫn được nhắc tới hàng năm, vào dịp sinh nhật danh thủ này, và vào cái ngày diễn ra trận chung kết Euro 1976 để vinh danh một cú đá đầy tính sáng tạo. Những ai làm quảng cáo có lẽ đều hiểu rất rõ nguyên lý này: một ý tưởng khi đã thành sản phẩm trông có vẻ đơn giản, nhưng kỳ thực là một khoảnh khắc thiên tài của người nghĩ ra nó. https://www.youtube.com/watch?v=ZT0wQPLwlFk&feature=youtu.be     Cú đá 11 mét biến Panenka thành huyền thoại vào ngày 20/6/1976. Video: UEFA.

Cách đây mấy ngày, thế giới bóng đá đã vinh danh cú ngoặt bóng của Johan Cruyff ở World Cup 1974, trong trận đấu giữa Hà Lan và Thụy Điển. Jan Olsson, hậu vệ bị Cruyff vượt qua hôm ấy, thậm chí còn cảm thấy... tự hào vì mình đã là một phần của lịch sử.

Nếu xem lại pha bóng ấy, người ta thấy nó không khó về mặt kỹ thuật. Nhưng nó lại vươn lên tầm biểu tượng vì trước Cruyff, không có ai làm điều đó. Hay như động tác bước tới nhưng lại... đi lùi của Michael Jackson, có rất nhiều người sau ông làm được. Nhưng thời điểm Michael lần đầu thi triển nó, thế giới đã há hốc mồm kinh ngạc.

Cú đá phạt đền kiểu bấm bóng của Panenka 41 năm về trước cũng không là ngoại lệ.

Sau Panenka, Francesco Totti, Zinedine Zidane, Andrea Pirlo, rồi thậm chí... Sergio Ramos đều đã lần lượt thực hiện cú sút ấy và thành công. Nhưng vào thời điểm trước khi Panenka thực hiện quả luân lưu định đoạt trận chung kết Euro 1976, người xem bóng đá chưa từng chứng kiến một cú đá 11 mét nào sáng tạo như thế.

Ngày ấy, trước kỷ nguyên hậu Xô Viết, Tiệp Khắc (chưa phân chia thành Slovakia và CH Czech) đã bất ngờ vào đến chung kết Euro 1976 và chạm trán ứng viên sừng sỏ Tây Đức, nhà đương kim vô địch World Cup và Euro. Tiệp Khắc sớm vươn lên dẫn trước hai bàn, nhưng rốt cục lại để cho đối phương gỡ lại, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Panenka hồi tưởng khi trò chuyện với kênh ESPN: "Chúng tôi đều biết họ có thể ngược dòng, như từng làm trong trận bán kết trước Nam Tư. Bị dẫn 0-2, nhưng Tây Đức kết thúc trận đó với tỷ số thắng 4-2".

Nhờ cú đá mạo hiểm nhưng thành công của Panenka, bóng đá Tiệp Khắc có danh hiệu quốc tế lớn nhất - chức vô địch Euro 1976.

Tiệp Khắc đã làm mọi điều có thể trong hai hiệp phụ để kéo trận đấu vào loạt sút luân lưu may rủi. Bảy quả sút đầu tiên đều thành công. Kịch tính diễn ra khi Uli Hoeness đá quả 11 mét của ông vọt xà ngang. Panenka bước lên đá quả quyết định. Và như chúng ta đã biết, ông đã làm nên lịch sử cho Tiệp Khắc, cho chính ông và cho cả những quả 11 mét.

Panenka giải thích: "Tôi bắt đầu chạy đà từ góc trái, thủ môn sẽ nghĩ tôi sút vào góc phải nên anh ta bay sang trái của mình. Với một cú chạy đà như thế, 90% những quả sút sẽ bay vào góc phải nên thủ môn buộc phải đổ người, thế nên tôi quyết định chuyển hướng sút vào giữa".

Cách giải thích ấy vô cùng đơn giản, cũng như khi chúng ta nghe giải thích về một định lý hay tiên đề nào đó. Nhưng để đi đến được cái định nghĩa mà ai cũng hiểu ấy là cả một sự sáng tạo, một phút lóe sáng, một khoảnh khác "Eureka" chỉ có ở những thiên tài.

Vì chỉ có những thiên tài mới suy nghĩ táo bạo đến như thế. Đấy nào phải một quả 11 mét bình thường, kiểu như cú đá bò cạp của Rene Higuita vốn được ra đời trong một trận giao hữu. Đấy là một quả sút định đoạt một giải đấu, thậm chí định đoạt cả lịch sử bóng đá Tiệp Khắc. Và trước mặt Panenka ngày ấy là thủ môn số một thế giới: Sepp Maier. Đối thủ là Tây Đức sừng sỏ.

Panenka được nhớ đền về sau chỉ vì cú đá huyền thoại, chứ không phải một sự nghiệp thành công mà ông dày công gầy dựng.

Câu chuyện càng thêm ly kỳ khi Panenka sau này xác nhận: ông sút 11 mét... dở ẹc. Sau mỗi buổi tập, các cầu thủ Tiệp Khắc hay cá độ với nhau, từ sút phạt cho đến sút 11 mét. Lúc thì thỏi chocolate, khi thì ly bia, khi nào máu lên thì cá cả tiền. Panenka... thua riết, đến mức tối về phải trằn trọc suy nghĩ cách... gỡ lại vào ngày hôm sau. Và sự quan sát kỹ lưỡng đã giúp Panenka ấp ủ về cú sút để đời.

Ông nói: "Tôi quan sát thủ thành của đội mình, Zdenek Hruska, phản xạ trong các pha bắt 11 mét. Anh ta toàn đợi đến sát nút mới quyết định bay sang trái hoặc sang phải. Như vậy, sút vào giữa là an toàn hơn cả. Nhưng nếu sút thấp, anh ta vẫn có thể dùng chân để cản phá, vậy nếu bấm quả bóng cao lên và rớt xuống, thì anh ta sẽ không đỡ được. Một khi đã đổ người, anh ta sao có thể bật dậy ngay được".

Vậy, vấn đề chỉ là tính thời điểm và sự chính xác mà thôi.

Tất nhiên đấy là một sự mạo hiểm. Nhưng tất cả những phát minh đều đến từ lòng quyết tâm vô hạn của những thiên tài. Và Panenka đã thành công. Ông bắt đầu chiến thắng trong những quả sút 11 mét. Ông xen kẽ những quả sút mạnh về hai bên và những quả bấm bóng. Và mỗi khi cố tình lừa cho Zdenek Hruska phải đổ người để bấm bóng vào giữa, Panenka đều thành công. Vấn đề là ông... mập lên trông thấy vì uống quá nhiều bia và chocolate dành cho người thắng cuộc.

Và từ cách sút để... cá độ ấy, Panenka bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc: "Liệu dùng nó trong trận đấu thực sự thì sẽ ra sao?".

Ông ra soát lại: "Trong 30 quả sút, chỉ một lần tôi thất bại. Lần ấy thủ môn của chúng tôi... lười quá chẳng buồn đổ người nữa".

Trong những thước phim tài liệu về trận chung kết Euro 1976, khi Panenka bước lên chấm 11 mét, thủ thành của Tiệp Khắc Ivo Viktor nằm trên sân, mặt mày thư giãn như đang ở bãi biển. Vì, ông ta biết Panenka chắc chắn thành công. Trước đó, chính Ivo Viktor đã dọa nếu Panenka mà sút kiểu ấy ở Euro 1976, anh ta sẽ khóa cửa không cho Panenka vào phòng. Nhưng khi Panenka bước lên, Ivo hiểu đồng đội của mình sẽ không thất bại.

Panenak và Maier - bại tướng của ông trong cú đá 11 mét huyền thoại - về sau trở thành bạn bè tri kỷ.

Và quả nhiên là như vậy. Lịch sử đã sang trang với một cầu thủ chỉ muốn uống thêm bia và ăn thêm chocolate.

Vấn đề là, bốn mươi năm sau cú sút thiên tài ấy, người ta vẫn chỉ nhắc về Panenka với quả sút táo bạo của ông. Họ lấy tên ông đặt tên cho cú đá ấy, hoàn toàn không nhắc gì đến một sự nghiệp lẫy lừng của một cầu thủ là huyền thoại của Rapid Wien và Bohemians Praha, CLB đã được tái thành lập năm 2005 mà Panenka đang làm Chủ tịch.

Khi gọi điện thoại cho Panenka, phóng viên của tạp chí Blizzard nghe phần nhạc chờ là đoạn ghi âm sau:

"Cầu thủ có bộ ria mép nổi tiếng nhất lịch sử CH Czech là ai"

a) Antonín Panáček (có nghĩa là búp bê)

b) Antonín Panenka

c) Antonín Nanic (vô dụng)

d) Antonín Panic (đồng trinh)?"

Trước khi bạn kịp trả lời, điện thoại lại vang lên giọng ông: "Trả lời sai rồi. Bạn không nên dùng điện thoại di động khi kiến thức còn hạn hẹp thế".

Đấy là một kiểu nhạc chuông... rất sáng tạo, và mang đầy tính châm biếm. Panenka lười trả lời điện thoại, càng ngại những cuộc phỏng vấn vì ông biết mình sẽ lại đối diện với câu hỏi về quả 11 mét năm nào. Ông nói với Blizzard: "Tôi vừa yêu vừa ghét quả sút ấy. Tất nhiên là tôi tự hào, nhưng hơi chạnh lòng vì cái tên Panenka chỉ đi liền với quả 11 mét. Trong sự nghiệp mình, phương châm của tôi là: chơi bóng vì niềm vui và sự giải trí của CĐV lẫn của chính mình. Tôi muốn mọi người nói về những pha bóng, những bàn thắng của mình trong những quán rượu. Nhưng quả 11 mét đó đã làm lu mờ tất cả".

Trong chừng mực nào đó, quả 11 mét của Panenka cũng giống như Sherlock Holmes của Sir Arthur Conan Doyle hay Harry Potter của J.K.Rowling. Tức là họ chỉ được nhớ về một "sản phẩm", chứ không phải về cả sự nghiệp dài hơi cũng rất xuất chúng của họ. Nhưng đấy là vấn đề của... khổ chủ. Điều quan trọng là Sherlock Holmes và Harry Potter vẫn sống trong lòng độc giả, và quả Panenka vẫn hiện diện trong biết bao thế hệ. Và khi có ai đó thực hiện một quả 11 mét bấm bóng, người ta lại gọi nó là "cú sút Panenka".

https://youtu.be/akju4D4VqO4

Quả 11 mét của Panenka cũng đã gần như... giết chết Sepp Maier. Mấy chục năm trời, Maier không chịu trả lời bất kỳ câu hỏi nào về quả sút ấy. Trong cái năm 1976, Maier là tên tuổi lẫy lừng thế giới, còn Panenka là kẻ vô danh. Đấy là một trải nghiệm không dễ dàng với gã thủ môn kiêu hãnh Tây Đức. Nhưng 35 năm sau, Panenka gặp lại Maier, nói chuyện và sau đó cả hai trở thành... bạn của nhau. Họ uống bia và cùng nhau đánh golf.

Tình bạn của những vĩ nhân thật đẹp, vì họ biết trân trọng nhau. Trong thế giới đầy rẫy những hậm hực và chán ghét này, ly bia trân quý của những người với người, thật đáng quý xiết bao.

Theo thethao.vnexpress.net
Quảng cáo