Cơ hội nào cho những ngôi sao U-23 Việt Nam ở V-League?

Chủ nhật, 18/02/2018 21:53 (GMT+7)

Không chỉ tỏa sáng ở đấu trường châu Á, những Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh còn chiếm suất đá chính tại câu lạc bộ và là những ngôi sao sáng của V-League. Chiến tích của U-23 Việt Nam tại...

Không chỉ tỏa sáng ở đấu trường châu Á, những Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh còn chiếm suất đá chính tại câu lạc bộ và là những ngôi sao sáng của V-League. Chiến tích của U-23 Việt Nam tại giải châu Á 2018 là thành tích tốt nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Thông qua giải đấu, rất nhiều cầu thủ U-23 Việt Nam đã trưởng thành và tiến bộ vượt bậc. Nhưng không phải ai trong số họ cũng nghiễm nhiên có suất đá chính tại câu lạc bộ. “Thủ thành quốc dân” Bùi Tiến Dũng là trường hợp đáng lo nhất ở U-23 Việt Nam. Tại V-League mùa trước, Tiến Dũng chỉ là sự lựa chọn thứ hai trong khung thành Thanh Hóa sau thủ thành Thanh Thắng. Mới đây, FLC Thanh Hóa đã mua thêm cựu thủ môn U-23 Việt Nam Bửu Ngọc. Cuộc cạnh tranh trong khung gỗ Thanh Hóa sẽ càng khốc liệt hơn. Trong bộ ba Tiến Dũng, Thanh Thắng, Bửu Ngọc, dễ thấy Tiến Dũng trẻ nhất, ít kinh nghiệm nhất. Mùa trước, người hùng của U-23 Việt Nam chỉ được ra sân sáu trận. Với Tiến Dũng và Bửu Ngọc, Thanh Hóa cũng là đội có nhiều thủ môn tốt nhất V-League. Nhiều khả năng, đoàn quân xứ Thanh sẽ phải luân phiên sử dụng thủ môn. Nhưng Tiến Dũng vẫn còn khá hơn hai đồng nghiệp Nguyễn Văn Hoàng (Sài Gòn) và Đặng Ngọc Tuấn (Sài Gòn). Bộ đôi này chỉ được ra sân tổng cộng 6 trận mùa trước và gần như không có cơ hội cạnh tranh. Tuy vậy, cũng rất may cho bóng đá trẻ Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang-seo, Tiến Dũng hay Văn Hoàng chỉ là những trường hợp cá biệt ở U-23 Việt Nam. Phần còn lại của đội hình tuyển U-23 đều đang có suất đá chính hoặc đã nằm trong kế hoạch chiến lược của các đội bóng V-League. Tại hàng thủ, Lê Văn Đại là tuyển thủ U-23 chơi ít nhất tại V-League vẫn có 11 trận ra sân mùa 2017. Thành Chung (13 trận) hay Đoàn Văn Hậu (11 trận) đều nằm trong chiến lược của Hà Nội; còn Bùi Tiến Dũng, Phạm Xuân Mạnh, Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh và Trần Đình Trọng đều đang đá chính. Số 4 Bùi Tiến Dũng thậm chí còn là đội trưởng, thủ lĩnh của Viettel ở giải hạng Nhất. Mùa tới, đội bóng của Tiến Dũng đặt mục tiêu thăng hạng V-League. Hàng tiền vệ và tiền đạo là niềm tự hào của U-23 Việt Nam khi tất cả cầu thủ đều đang có suất đá chính ở câu lạc bộ. Những Quang Hải, Ngọc Quang, Công Phượng không chỉ có mặt trong đội hình xuất phát, họ thậm chí là ngôi sao ở đội bóng của mình, là điểm tựa cho cả tập thể. Bản thân Quang Hải đã giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất V-League 2017. Lương Xuân Trường là ngoại lệ hiếm hoi trong đội hình khi anh gần như không được ra sân suốt hai năm qua. Nhưng cuộc cạnh tranh của Xuân Trường khốc liệt hơn khi anh thi đấu trong màu áo Incheon United và Gangwon FC tại K-League. Ở giải đấu cao nhất Hàn Quốc, mỗi phút ra sân đều vô cùng quý giá. Việc các tuyển thủ U-23 Việt Nam đều được đá chính tại câu lạc bộ sẽ là tiền đề hoàn hảo cho ông Park Hang-seo hướng tới ASIAD 2018. Đây cũng là lần hiếm hoi trong lịch sử, phần lớn đội hình U-23 Việt Nam được đá chính tại câu lạc bộ. Kết quả này tới từ quyết định đôn lứa U-19 Việt Nam lên V-League của bầu Đức và thành tựu của U-20 Việt Nam tại World Cup trẻ 2017. Nhờ được trui rèn từ sớm, lứa U-23 Việt Nam hiện tại đã trưởng thành nhanh và đạt được nhiều bước tiến tại V-League cũng như các đội tuyển quốc gia. Đó là bàn đạp rất tốt để U-23 Việt Nam nhắm tới ASIAD 18 tại Indonesia tháng 8 tới. Nguồn: vietnamplus.vn
Quảng cáo