Cúp Hà Nội 94-97: World Cup của thế hệ bóng nhựa và màn hình đen trắng

Thứ sáu, 07/09/2018 23:28 (GMT+7)

Bóng đá với thế hệ 94-97 bắt đầu từ World Cup 1986, khi tất cả đều lờ mờ biết về giải đấu mà người ta gọi là Cúp thế giới và biết về ngôi sao hay nhất là Diego Maradona...

Bóng đá với thế hệ 94-97 bắt đầu từ World Cup 1986, khi tất cả đều lờ mờ biết về giải đấu mà người ta gọi là Cúp thế giới và biết về ngôi sao hay nhất là Diego Maradona của đội tuyển Argentina. Nhưng lúc đó, những hiểu biết của Dê 94-97 chỉ đơn giản là xem cho vui, là háo hức được ngồi trước màn hình tivi cho sành điệu. Sau đó 2 năm là Euro 1988 với trận Chung kết giữa đội tuyển Liên Xô của thủ môn Rinat Dasaev, trung vệ Khidiatulin và tiền đạo Igor Belanov với Cơn lốc màu da cam của bộ ba Gullit – Rijkaard – Van Basten. Hình như cả Việt Nam ủng hộ cho đội tuyển Liên Xô mà thi thoảng chúng ta vẫn gọi là “Nga ngố” vì ảnh hưởng của thời đại. Hôm đội tuyển Nga thua 0-2 trong trận chung kết, nhiều người yêu bóng đá lúc bấy giờ vừa buồn, vừa tiếc, vừa thương khi chứng kiến những người bạn Xô Viết không thể ca khúc khải hoàn. Sau này, hình như tình cảm với Mát-xờ-cơ-va vẫn chưa thay đổi và thế hệ 94-97 cũng vẫn yêu “Nga ngố” thêm một thời gian dài nữa cho đến khi quốc gia này trở thành khối SNG năm 1991. Cảm xúc thực sự với bóng đá có lẽ đến vào năm 1990, khi đó, ít nhất thế hệ 94-97 cũng 10-11 tuổi, có cảm nhận và “biết xem”. Chúng ta gai người trước bài hát sau này được coi là Thánh ca của bóng đá “Mùa hè nước Ý” với giọng khán của ca sỹ mảnh mai Giannina. Lần đầu tiên, một bài hát World Cup được trình diễn sôi động và máu lửa đến thế. Cho đến tận bây giờ, “Mùa hè nước Ý” vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng thế hệ 94-97, một bài hát có lửa đam mê, có cả “gào thét” chinh phục toàn thế giới.
Giải đấu có cảm nhận đầu tiên của thế hệ 94-97
Biết đến World Cup nhưng chuyện được xem bóng đá vẫn là thứ xa xỉ. Khi có tivi thì thiếu sóng, lúc có sóng nhà đài lại chẳng có tivi. Trong nhiều năm, cả thế hệ 94-97 nhớ nhất câu kinh điển phát ra sang sảng từ cái vô tuyến đen trắng trước mỗi trận bóng đá vào đêm trước khi trận đấu bắt đầu: “Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép…” Ngày hôm sau, các tifosi ngồi há mồm trước tivi ngóng xem nhà đài có phát hay không, chờ chăm chú và nghiêm túc. Nếu “điều kiện kỹ thuật cho phép” thì đúng là món quà. Nhưng nhiều hôm, nhà đài chẳng nói chẳng rằng kéo nguyên màn hình điện tử hình tròn, phía trên đen trắng, phía dưới “7 màu” kèm thời gian nhảy từng giây gắn trên đó với dòng chữ “Truyền hình Việt Nam” và… hết. Chờ cả đêm đến sáng rồi ai nấy đều tặc lưỡi “thôi đi ngủ”. Tất cả giải tán trong tâm trạng buồn buồn, nhưng không thất vọng vì… có gì đâu mà thất vọng, điều kiện kỹ thuật không cho phép thì chịu!
Cơ sở vật chất của nhà đài thế này thì chuyện “Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép” cũng là điều dễ hiểu. Một thời kỳ khó khăn chung của cả đất nước.
Hồi ấy, xem bóng đá là xem tập thể. Đất nước nghèo, nhà nhà khó. Vô tuyến đen trắng đích thị là tài sản lớn. Nếu xếp hàng cho “số má”, tivi chỉ sau xe bình bịch, tủ Bích phê (tủ lệch có gương) hoặc con xe đạp Pô-zô huyền thoại mà thôi. Những thứ tép riu như Cát xét, Phượng Hoàng bất tử, ra đi ô bán dẫn thì… không tính. Tôi nhớ có lần, khu tập thể gồm rất nhiều thanh thiếu niên nhân dịp sinh hoạt hè xin xỏ ông tổ trưởng tổ chức xem bán kết World Cup 1990 giữa Argentina và Italia. Ông này không thích bóng đá mà thích cải lương, nhưng trước sức ép của các cháu, ông cũng tặc lưỡi cho phép bật con tivi huyền thoại Nép-tuyn Made in Ba Lan để xem.
Na-ti-o-nan là tài sản cứu giá, là người bạn đuổi muỗi của rất nhiều anh chị em 94-97 chúng ta
Cả khu tập thể vui mừng trước quyết định của ông tổ trưởng. Cách giờ xem bóng đá chừng hơn tiếng, cửa nhà như có tiệc, thanh niên, thiếu niên, trẻ em bu lại để xem, người nào người nấy tay cầm quạt Na-ti-o-nan đập phành phạnh xua đi cái nóng mùa hè và làm khô những giọt mồ hôi lấm tấm. Ông tổ trưởng khiêng con Nép tuyn chắn ngang cửa để không “đứa nào vào trong nghịch ngợm hay nhòm ngó” nhưng vẫn kéo cửa kín mít, phủ chăn con công đỏ chót phía ngoài. Đến sát giờ, ông mới rón rén bật tivi, không quên “thòng” một câu xanh rờn: “Xem thôi nhé, đừng có đứa nào động vào vô tuyến. Nó mà hỏng thì bán cả nhà cũng không đền nổi”. Phía ngoài, trẻ già, lớn bé đồng loạt gật đầu cái rụp. Không ngoan sao được, ngộ nhỡ ông ấy điên lên bê tivi cất đi thì toi!
Nép tuyn thần thánh, bật một lúc nóng bóng hình mới xem được
Nép tuyn thần thánh mang lại niềm vui “rất từ từ” cho đám thanh niên mê bóng đá chúng tôi. Cứ sau vài phút lại có tiếng ồ lên thích thú kèm theo vỗ tay đen đét. Chả là, anh chàng Nép tuyn lúc đầu bật lên là một dòng trắng chạy ngang, ruồi muỗi bu kín. Dòng trắng ấy lớn dần tạo cho người xem mục sở thị cảm giác được xem màn ảnh rộng, sau đó mới là màn ảnh đủ cỡ. Ban đầu, cầu thủ hai đội chạy như máy trên màn hình, nhưng người như quái vật, chân tay ngắn tũn, dần dần con Nép tuyn nóng bóng hình to lên thì cầu thủ trông mới ra cái hình người.
Tivi Nép-tuyn là tài sản lớn có khi chỉ sau Siêu xe thới bao cấp: Super Cúp 50, yếm trắng “kim vàng giọt lệ” mà thôi
+++++++++ Xem đã khó, đá bóng còn khó hơn. Thời bao cấp phủ bóng lên cả đất nước, chuyện mua được quả bóng “tếch” là cực kỳ xa xỉ. Chúng ta phần lớn chỉ có bóng nhựa, nổi nhất là loại sọc Xanh đỏ hoặc có viền ô lục giác. Các trận đấu hồi ấy cũng được tổ chức đơn giản, chả cầu kỳ mỗi bên bao nhiêu cầu thủ, cứ chẵn là được, ông nào có giày đá giày, không có giày thì chân đất. Cá biệt có ông đi cả dép đá bóng. Thường thì ở trường, mỗi bên chia cặp sách ra làm cột gôn, giao hẹn với nhau là đá từ gốc cây này đến gốc cây kia, hoặc đá đến bức tường kia thôi, không được đá rộng quá, đá rộng quá là… ăn gian. Bóng đến đâu thì bâu vào đến đó, mạnh ông nào ông nấy đá, chiến thuật “ruồi bâu cứt”, hò hét cứ như ong vỡ tổ.
Chiến thuật “RBC bất tử” của thời bóng nhựa
Bóng nhựa lúc ấy không khó kiếm, nhưng có đá đấm kiểu gì cũng phải… tiết kiệm. Hai đội chia nhau ra đá, thằng nào “đá trâu” hay xô đẩy hay đá mạnh là được “chủ bóng” và các đồng đội đe nẹt ngay từ đầu: “Không được đá trâu, đá trâu mà vỡ bóng thì đuổi cổ”. Phàm bóng nhựa, nếu không vỡ cũng chỉ đá được vài trận rồi bẹp bẹp, xì xì. Hai đội đang đá tự dưng có ông cầm bóng lên xin “éc tăng” để… nắn là chuyện thường ngày ở huyện. Bóng có rách một tý thì bảo nhau “đá nhẹ thôi” và cấm tình trạng hai chân dập vào bóng vì nếu thế, bóng mà bẹp dúm thì nắn lại không nổi. Đội nào hình như cũng có ông chuyên “éc tăng” để nắn bóng và canh me những thằng đá trâu để mắng mỏ. Tan trận, cả đội thay nhau tu nước ừng ực. Ông nào cẩn thận thì mang theo một bi – đông “nước luộc” trong cặp. Không có thì cứ vòi nước lã ở đâu thì bu lại uống. Hôm nào sang, cả hội góp tiền vào mua kem và… ăn tập thể. Nhưng cái sự ăn kem cũng phải có “chỉ huy”, tức là ông góp nhiều cổ phần cho cái kem thì có quyền chỉ định. Ông này được ưu tiên cắn trước sau đó gọi từng thành viên lên cắn nốt. Mỗi ông một miếng, có “kẻ vạch” để tránh ăn tham. Phàm ông nào quán tính lớn, cắn quá đà một tý thì lần sau không nhịn cũng chỉ được phép ăn cuối cùng. Thậm chí, chỉ được liếm.
Xe kem truyền thống, đã ăn sâu vào ký ức nhiều thế hệ thời bao cấp
Huyền thoại của thế hệ 94-97 chỉ đơn giản thế này thôi
Cuối những năm 80, ngấp nghé đầu 90 thế kỷ trước, sau thời gian bóng nhựa thì thi thoảng thế hệ 94-97 được đá bóng “tếch”. Bóng “tếch” có hai loại, một loại có vỏ nhồi véc-xi sau đó bơm căng lên. Loại thứ hai không cần thế, bơm lên là đá nhưng đá mưa thì hay méo, lại ngấm nước như quả tạ. Tôi nhớ những trận bóng trong khu tập thể mình, cả khu có mỗi thằng có quả bóng “tếch” nhưng nếu muốn đá lại phải chờ đi xin phép “ông bô”, ông bô cho phép các bạn mới được chơi cùng. Thời gian được đá bóng “tếch” của nó thì giới hạn, lúc nào ông bô nó cảm thấy bực mình là… phải nghỉ. Sau này, những thằng biết đá bóng trong khu góp tiền lại, mua chung một quả bóng tếch để đá. Mua xong rồi còn bàn lên họp xuống chuyện “để thằng nào cầm bóng?”. Hầu như ông nào cũng nhận cầm bóng, nhưng đạt tiêu chuẩn được cầm phải có sự thống nhất của thằng góp nhiều nhất hoặc thằng đá hay nhất. Những ông được phép mang bóng về nhà cất thường phải đảm bảo các yếu tố: Cẩn thận, giữ gìn, không lôi ra “đá trộm” và biết từ chối dứt khoát (thậm chí cự tuyệt) những ông thi thoảng đến “mượn một tý”. Thường những ông tóc đuôi dế, có tính ki bo nổi bật thường được trọng dụng vào việc “giữ gìn báu vật”. Hồi ấy, sân cỏ không có, cỏ nhân tạo thì chưa có khái niệm. May lắm thì các trận đấu được đá sân đất lổn nhổn sỏi, đá dăm, gạch nửa. Còn lại, toàn “diễn” trên sàn bê tông hoặc đường nhựa. Quả bóng tếch vì thế cũng có tuổi đời ngắn, “nhan sắc” xuống dữ dội sau mỗi trận đấu.
Nhan sắc như giử rách nhưng đây vẫn là… nữ hoàng một thời của thế hệ 94-97
Thường thì một quả bóng tếch khi mất đi lớp da bên ngoài thường xù lông tơ, lộ lớp nỉ bên trong, khi bung chỉ thì… méo. Ông nào sút mạnh hoặc làm quả “chích mủi” thì thủ môn chỉ có khóc. Bóng đi không khác gì CR7 hay Gareth Bale sút bây giờ. Rung lắc ầm ầm, đang bay cao thì thụp xuống rất khó lường. Nhưng để có một quả bóng như thế cũng là cả một trời ước mơ. Bóng đá thời bao cấp có xem và chơi thôi cũng khổ. Thế hệ 94-97 có ai không kinh qua đoạn trường bể dâu? Giai đoạn gian khó đá chân đất là chính đã hình thành thói quen “nông dân” của nhiều anh em 94-97. Thế mới có chuyện, khi được khu phố hay trường học cho đi đá giải, được mua giày, mua tất chỉnh tề nhiều người… đá không quen, kiểu như “sướng quá chịu không nổi”, cứ phải lột chân đất, lộ cái “chai” vàng khè, to như mảnh sành mới đá được. Dấu ấn bao cấp thực sự in hằn với không chỉ riêng thế hệ 94-97 của chúng ta. Cho nên, Cúp Hà Nội lần này chắc chắn sẽ trở thành một kỷ niệm thần thánh. Vì chúng ta, đã bao giờ được cùng nhau “đá bóng tếch xịn” đông vui như thế này đâu? Bảo Thắng
Quảng cáo