ĐT Việt Nam: Đã đến lúc mạnh dạn tính đến sân chơi châu lục

Thứ sáu, 21/06/2019 00:11 (GMT+7)

ĐT Việt Nam đang có những biến chuyển mạnh mẽ về chất lượng. Không còn tư thế của đội “cửa dưới” chỉ đủ sức gây bất ngờ, đội bóng áo Đỏ sẵn sàng đối đầu với các đối thủ lớn...

ĐT Việt Nam đang có những biến chuyển mạnh mẽ về chất lượng. Không còn tư thế của đội “cửa dưới” chỉ đủ sức gây bất ngờ, đội bóng áo Đỏ sẵn sàng đối đầu với các đối thủ lớn trong khu vực bằng tâm thế của kẻ chinh phục. Hơn hai năm dưới quyền chỉ đạo của HLV Park Hang Seo, ĐT Việt Nam cho thấy họ đủ sức áp sát trình độ của những đội bóng hàng đầu châu Á. Bệnh “sợ Thái” chỉ còn trong tư điển của thế hệ cũ! Cuộc đọ sức với Thái Lan cách đây vài ngày chỉ ra một sự thật: ĐT Việt Nam đã vươn lên tầm vóc khác. Đội quân của HLV Park Hang Seo mang đến cho NHM cảm giác yên tâm, an toàn và chắc chắn. Các cầu thủ ra sân thể hiện được tư thế của nhà vô địch AFF Cup: Đĩnh đạc và tự tin. Ngay cả khi bàn thắng không đến với cả đôi bên trong giờ thi đấu chính thức, những người yêu mến ĐT Việt Nam vẫn tin vào kết thúc có hậu chứ không nơm nớp lo lắng như trong quá khứ. Bàn thắng phút bù giờ thứ 4 của Anh Đức khiến hàng triệu trái tim vui sướng. Nhưng bàn thắng ấy không đại diện cho “kỳ tích” như cách đây 11 năm, khi thầy trò HLV Alfred Riedl bất ngờ thắng Thái 3-0 trên sân Hàng Đẫy (Tiger Cup 1998). Nó đến theo cách tất yếu và tự nhiên. Như thể: Đội mạnh hơn phải thắng! Đó là phán quyết công bằng của cuộc chơi. Người Thái có thể phân tích nhiều mặt, bóc tách nhiều tình huống để nói về may mắn của ĐT Việt Nam khi có bàn thắng phút chót.  Nhưng hãy nhìn lại quá khứ, đội bóng xứ sở chùa Vàng biết bao lần lên ngôi, biết bao lần vượt qua ĐT Việt Nam ở thời khắc mà tất cả đã đếm ngược? Điển hình là bàn thắng của Nataporn Phanrit ngay tại Mỹ Đình rực lửa tại SEA Games 2003. Cú sút trái phá của cầu thủ này đến ở phút 119, khi cả sân vận động tin rằng ĐT Việt Nam đủ sức cầm chân Thái Lan và đưa trận đấu về chấm 11m. Trước đó, ĐT Việt Nam dù chơi tốt đến đâu, khí thế đến đâu cũng không nhiều người dám nói “sẽ thắng Thái”! Phần lớn, đưa liệu pháp tinh thần cổ vũ đội nhà, còn trong thâm tâm, ai cũng thừa nhận người Thái hơn chúng ta một bậc! Các cầu thủ thuộc thế hệ vàng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh mỗi khi gặp Thái là một đối đầu với “hai cuộc vật lộn”. Cuộc vật lộn thứ nhất là làm tinh thần cho mình, tự lên giây cót rằng “Thái là cái gì mà phải sợ?”. Cuộc vật lộn thứ hai là vượt qua nỗi ám ảnh thua trận khi nhập cuộc. Nhưng tất cả, từ SEA Games cho đến Tiger Cup, sau này là AFF Cup. ĐT Việt Nam gặp Thái là thua. Có lần, trao đổi với Tuổi trẻ&Đời sống, danh thủ Nguyễn Hồng Sơn – cầu thủ ưu tú nhất thế hệ được cho là Vàng (nhưng toàn nhận HCB) thừa nhận rằng, lớp cầu thủ của anh không mạnh bằng Thái Lan thời điểm đó, nên sự tự tin mỗi khi đối đầu với đội bóng này không cao. Cầu thủ Việt Nam không sợ Thái, nhưng rất khó vượt qua ám ảnh... hay thua và thua ở những khoảnh khắc thiếu tính kiên định. Đối với NHM Việt Nam, trong suốt hai chục năm có lẻ, mỗi khi Việt Nam đối đầu Thái Lan là vừa bật tivi vừa cầu nguyện. Cầu nguyện cho phép màu và sự may mắn luôn song hành. Mỗi khi có tình huống nguy hiểm thoát qua là một lần con tim loạn nhịp vì lo lắng, buồng phổi phồng lên xẹp xuống theo mức độ sát thương của đối thủ.

ĐT Việt Nam thời điểm này không có gì phải e ngại Thái Lan như trong quá khứ.

Trước trận đấu hôm khai màn King’s Cup, các con số thống kê cũng đứng hoàn toàn về người Thái với tỷ lệ đối đầu áp đảo: Họ thắng Việt Nam 15 trận, hoà 4 trận, thua 2 trận (tính cấp độ ĐTQG từ SEA Games 1995 đến trước King’s Cup 2019). Tuy nhiên, các thống kê có lẽ đã dừng lại sau tối 5/6. Tại Buriram, chưa bao giờ ĐT Thái Lan nhập cuộc với tư tưởng hốt hoảng, “lo lắng thành bệnh” trước ĐT Việt Nam. SiamSport– tờ báo thể thao hàng đầu Thái Lan thừa nhận: Đội bóng của HLV Sirisak được mỗi ưu điểm là... cổ động viên nhà đông hơn, hò hét to hơn. Còn lại, họ đều bị các cầu thủ Việt Nam lấn lướt. Vũ khí sút xa, khả năng gây áp lực toàn sân và sử dụng tranh chấp tầm cao như trong quá khứ không còn. Người Thái thiếu đi sự kết dính và tư thế của đội bóng hàng đầu khu vực. Chưa bao giờ, người ta thấy hình ảnh tầm thường đến thảm hại của ĐT Thái Lan, nhất là khi nhiều cầu thủ của họ dùng bạo lực để giải quyết sự thiếu tự tin của bản thân. Ai đó liệt kê chấn thương của Dangda, của Channathip để bào chữa cho thất bại của thầy trò HLV Sirisak. Nhưng nếu như có họ, chiến thắng của ĐT Việt Nam còn vẻ vang hơn. Vì trong một tập thể run rẩy và chọn cách gây căng thẳng để nhập cuộc, Dangda và Channathip thi đấu được thì cũng bị các đồng đội xung quanh biến thành nạn nhân mà thôi! Bàn thua phút chót, đúng hơn là những giây cuối cùng không hẳn là may mắn, cũng không hẳn là sai lầm của thủ thành Kawin. Mà nó chính là khoảng cách về bản lĩnh giữa hai đội bóng thời điểm này. ĐT Việt Nam của HLV Park Hang Seo đã chứng minh rằng, họ lì lợm hơn, vững chãi hơn và cũng “lớn hơn” đối thủ trong khoảnh khắc quyết định. Đã đến lúc nghĩ đến sân chơi châu lục! 10 năm trước, người Thái đặt mục tiêu World Cup. Họ cho rằng, AFF Cup, SEA Games hay những giải đấu nằm trong khu vực Asean không còn là động cơ của mình nữa. Sự bá chủ được thừa nhận “lâu rồi”. Nhưng đến thời điểm này, sau chục năm nâng cao mục tiêu, có lẽ người Thái sẽ chủ động tìm cách soán ngôi Việt Nam trước khi nghĩ đến cái đích cao hơn. Nhưng Việt Nam thì hoàn toàn có thể tự tin vào hành trình của mình. Thời điểm này, đội bóng áo Đỏ đang sở hữu khá nhiều yếu tố có thể hy vọng: HLV giỏi, đội ngũ cầu thủ trẻ tài năng và một nguồn kế cận tiềm tàng. Hai năm qua, ĐT Việt Nam, ĐT U23 Việt Nam đã tạo ra những cơn địa chấn ổn định từ giải này qua giải khác. Sau kỳ tích Thường Châu là Asian Cup rực lửa, đội quân của HLV Park Hang Seo chỉ thua sát nút trước các đối thủ lớn nhất châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran mà thôi. Còn lại, họ biết cách vượt lên những đội bóng được cho là “rất mạnh” trước kia, nhất là các đại biểu đến từ Tây Á. Niềm tin của ĐT Việt Nam có thể vươn tầm hơn nữa là lực lượng. Chúng ta đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng, có tư duy, hiểu biết, khát khao và đặc biệt là tuổi đời còn trẻ. Đa phần lại có thời gian chơi với nhau lâu năm, đá nhiều giải lớn nên kinh nghiệm trận mạc không non nớt chút nào.

ĐT Việt Nam tiếp cận rất gần với các nền bóng đá hàng đầu châu lục

ĐT Việt Nam hiện tại cứ ra sân là NHM có cảm giác yên tâm, yên tâm cả về sức lực, trí tuệ lẫn tinh thần nghị lực. Họ chơi không biết sợ hãi trước các đội bóng lớn và sẵn sàng thi triển năng lực của mình trong tất cả các thời điểm. Điều đặc biệt là thế hệ này đã khắc phục được yếu điểm thể lực, nút thắt cực kỳ quan trọng, là rào cản thường trực của các bậc đàn anh đi trước. Vấn đề nan giải hiện nay của ĐT Việt Nam chỉ là bộ máy quản lý của đơn vị chủ quản (VFF). Nếu các “quan to” chú tâm phát triển, cùng đoàn kết đưa bóng đá đi lên thì ngày tiến đến sân chơi châu lục và xa hơn nữa là World Cup không phải giấc mơ quá xa xỉ! Bảo Thắng (bài đăng trên Tuổi trẻ&Đời sống số ra ngày thứ Hai 17/6/2019) Ảnh: Internet
Quảng cáo