... là lúc những người trong cuộc, người thắng trận và kẻ lỡ nhịp đều khắc khoải chờ một sân chơi tiếp theo. Sân chơi mà ở đó, họ không phải lo gì ngoài chuyện "cứ đá bóng tốt là...
... là lúc những người trong cuộc, người thắng trận và kẻ lỡ nhịp đều khắc khoải chờ một sân chơi tiếp theo. Sân chơi mà ở đó, họ không phải lo gì ngoài chuyện "cứ đá bóng tốt là được". Bóng đá vẫn là một thứ "ma tuý" không khói mà người ta rất khó để định giá cảm xúc. Chỉ biết rằng, mỗi tifosi thứ thiệt đến sân, cần tham dự vào cuộc chơi theo tư thế của mình là quan trọng nhất. Ở đó, cảm xúc tự đến. 1/ Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện mới diễn ra cách đây chưa đầy nửa tháng. Nói đúng hơn, nó là quyết định nhân văn của một ông bầu quen mặt: Roman Abramovich. Tỷ phú người Nga chẳng ai lạ, ít nhất, những người yêu bóng đá đều biết ông là sếp lớn của CLB lừng danh nước Anh, Chelsea. Trong cuộc chơi kim tiền ở giải Ngoại hạng, người ta biết đến Abramovich như một trong những nhân vật "bỏ tiền mua danh hiệu" máu me nhất. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, người đàn ông có gương mặt "đặc sệt Nga" ấy đã thực hiện sứ mệnh tốt đẹp khác của bóng đá gần chục năm nay.Tỷ phú Abramovich
Ngày 12/3/2018, Abramovich quyết định chuyển khoản gần nửa triệu USD (tương đương 12 tỉ đồng) vào Quỹ Fulfiling Dreams (tạm dịch: Những giấc mơ có thật) để trang trải chi phí cho 30 em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo từ Israel sang Nga xem World Cup. Cùng đi với các em là gia đình và những người chăm sóc. Đây không phải lần đầu tiên Abramovich thực hiện điều này, mà từ World Cup 2014 trên đất Brasil, Euro 2016 tại Pháp, ông cũng "lấp đầy" quỹ Fulfilling Dreams để mang những giấc mơ đến với bóng đá.Cô bé Polina Feldman (trái) giành lại sự sống nhờ giấc mơ World Cup được Abramovich trợ giúp. ảnh CNN
Điều đáng nói là trong số các em nhỏ Israel đến Nga lần này, cô bé Polina Feldman đã giành giật sự sống từ nghĩa cử của Abramovich. Polina bị bại não từ nhỏ và cuộc sống của em gắn liền với xe lăn. Đầu tháng 2/2018, các bác sỹ thông báo rằng với gia đình Polina là em khó sống nổi 3 tháng nữa. Cô bé 9 tuổi không biết điều đó và cố gắng để có tên trong danh sách 30 em đến World Cup. Trevor Click, người phụ trách đoàn trẻ em ngày hôm đó điền tên Polina vào danh sách nhận ưu đãi từ Abramovich nhưng trong lòng ông chỉ nghĩ "để cô bé toại nguyện", còn thực tế, thời hạn sống của Polina đã có giới hạn.Các bệnh nhân đến từ Israel được Abramovich tài trợ có mặt trong trận Mexico-Đức. Ảnh CNN
Nhưng thật kỳ lạ, ngày 19/6 vừa rồi, cô bé bại não Polina vẫn có mặt trên đất Nga. Cô bé thậm chí được đánh giá là tỉnh táo và đáng yêu nhất đoàn bệnh nhân nhí đến từ Israel, dự khán trận Mexico - Đức và sẽ tiếp tục được xem trận Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha. Trevor Click gọi đó là điều "không tin nổi". Mẹ cô bé gọi đó là "điều thần kỳ". Nhưng nữ y tá phụ trợ cho Polina khẳng định: "World Cup và bản danh sách của ông Abramovich đã giành giật cô bé khỏi lưỡi hái tử thần. Polina chưa bao giờ ngừng hy vọng về giấc mơ có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ngay cả khi em phải chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử". Cô bé Israel trở thành tấm gương về niềm tin và khát vọng sống, nhưng cơ bản, bóng đá đã thực thi sứ mệnh của mình. Còn tỷ phú người Nga là người dẫn đường cho sứ mệnh đó. Trả lời trên CNN, Abramovich cho biết, mỗi khi nhìn thấy các bệnh nhân nhí thoả nguyện, ông có cảm giác mình đã vừa bàn quyết định cho Chelsea như Drogba hay Frank Lampard. Bóng đá mang lại cảm xúc theo nhiều cách khác nhau, nhưng giá trị cốt lõi của nó là tinh thần và sứ mệnh! 2/ Một câu chuyện khác ở Cusco (Peru). Những đứa trẻ ở thành phố này mang một nửa hình ảnh của người da đỏ Inca, nhưng tựu trung là nghèo và đói. Chúng được nuôi dạy giống như cây cỏ dại và không mấy khi được ăn no. Nhưng khi đội tuyển Peru giành vé tham dự World Cup, mỗi đứa trong đám trẻ ở Cusco - bất kể trai hay gái đều để giành tiền để mua bóng. Chúng sẵn sàng nhìn ăn để cổ vũ đội tuyển, sau đó chơi bóng như đội tuyển. Tháng 11/2017, một đoàn khách du lịch châu Âu đặt chân tới Cusco vì tò mò khám phá người Inca. Họ gặp những đứa trẻ tại đây và cho chúng rất nhiều bánh kẹo. Nhưng thật lạ, những đứa trẻ lấm lem ấy gom hết số quà lại, bỏ vào một cái thùng các-ton. Đứa "thủ lĩnh" nhóm mang thùng các-ton đến đặt trước đoàn du khách và nói: Bọn cháu cần quả bóng mới. Bọn cháu sẵn sàng đổi các thứ này. Lúc đó, đội tuyển Peru vừa vượt qua New Zealand lấy nốt nửa tấm vé vớt đến World Cup. John Morton - vị khách được cho là chụp bức hình bọn trẻ chơi bóng khá ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng đi mua tặng bọn trẻ quả bóng và ông ngồi xem chúng chơi. John bỏ qua cuộc khám phá Cusco cùng đoàn tham quan và khi rời đi, ông để lại một mảnh giấy: "Chào các thiên thần. Các bạn đã cho tôi thấy tình yêu và sự đam mê mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Bóng đá thật vĩ đại". Kèm theo mảnh giấy, ông để lại số tiền đủ để mua một quả bóng khác... Đôi khi, người ta bỏ tiền ra chỉ vì muốn được nhìn thấy niềm hạnh phúc của ai đó. Với bóng đá, điều đó không có gì phải hối hận! 3/ Giải vô địch miền Bắc khởi đi không quá rầm rộ. Nó vướng World Cup và một vài sự kiện của quá khứ. Nhưng giải đấu càng ngày càng mang lại cho những người tham gia vào cuộc chơi nhiều giá trị khác nhau. Chi phí free, giải thưởng khủng chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực tổ chức của Bóng đá sân 7. Đơn vị này khao khát muốn "trải thảm sân khấu" vì người chơi thực sự, vì những nhu cầu "rất bóng đá" đã, đang là nỗi trăn trở. Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung không thiếu sân chơi. Nhưng chơi ở đâu và chơi với ai vẫn là câu hỏi không phải bao giờ cũng có điểm đến thích đáng. Bóng đá Việt lâu nay chẳng khác gì thực phẩm đa nguồn gốc. Người ta không biết lựa chọn thế nào trong mê cung quá nhiều hạng mục. Thời đại 4.0 cho phép các đơn vị tự quảng cáo chính mình, miễn là thu hút. Thực khách "lảo đảo" trước những quyết định mà đôi khi, cẩn thận chọn cái thật hoành tráng vẫn... nhầm hàng như thường.Khán giả đến kín sân ở giải Vô địch miền Bắc. Ảnh Trung Khỉ - BĐS7
Bóng đá phủi có cái khác biệt so với bóng đá đỉnh cao nói chung là sạch. Như thực phẩm cơ bản, chưa biết có ngon hay không, chưa biết chế biến kiểu gì nhưng cứ "sạch" là... ổn rồi. Giải vô địch miền Bắc với tiêu chí dành cho người chơi, vì người chơi nên từ đầu đến cuối, nhà tổ chức chỉ tâm huyết đến việc "các đội phải được chơi thực sự". Ngày hôm qua, lễ bế mạc khép lại sân chơi mà giá trị của nó phản ánh bằng hình ảnh, bằng cảm xúc của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Trên những khán đài chật người, có cả pháo sáng và trống kèn nhưng lực lượng an ninh chỉ khoanh tay... cho vui. Họ chả phải làm gì trong cái không khí sôi động, khuấy đảo nhưng hoà nhã. Hiếm có giải đấu nào đội về nhất hoan hỉ, đội về nhì vui vẻ chúc mừng, đội nhận giải ba như vừa thắng chung kết, còn đội hạng tư hả hê vì được rèn luyện đến tận cùng. Đâu đó, người ta không còn thấy bóng dáng của gằm ghè, của uể oải, của mệt mỏi và ức chế. Giải đấu tự thân nó phản ánh giá trị của một sân chơi: Lành mạnh và đúng tầm! Cái đó, nhà tổ chức bỏ tiền ra cũng vui như chính mình đoạt cúp... 4/ Kết Abramovich, những du khách ở Cusco và Bóng đá sân 7, mỗi câu chuyện là một chủ đề khác nhau, tồn tại cũng trong hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tất cả cùng có một điểm chung: Cố gắng tận cùng vì niềm vui của người khác. Bóng đá vốn dĩ là trò chơi đơn giản, nhưng cảm xúc và sứ mệnh mà nó mang lại thì không gì sánh được. Vì thế, nó là Vua... Bảo Thắng