Hồi ức của một phủi già: FC Triều Khúc, nhà vua thường giản dị để đối thủ... coi thường

Thứ bảy, 09/06/2018 11:51 (GMT+7)

FC Triều Khúc đi đâu cũng tự nhận mình là ngoại ô, tỉnh lẻ. Nhưng có “so găng” với mấy anh chàng mặt rõ nhàu và nói giọng “Ba Vi bo vang” giữa Thủ đô mới thấy… khó nhằn đến...

FC Triều Khúc đi đâu cũng tự nhận mình là ngoại ô, tỉnh lẻ. Nhưng có “so găng” với mấy anh chàng mặt rõ nhàu và nói giọng “Ba Vi bo vang” giữa Thủ đô mới thấy… khó nhằn đến cỡ nào. Tớ đã chứng kiến anh em Triều Khúc nom củ mỉ cù mì thế mà đá cho bao nhiêu phủi nặng… “tung xác” đấy. Bây giờ, khi đất Thanh Xuân mọc ra cái bùng binh Khuất Duy Tiến to đùng thì địa bàn của FC Triều Khúc mới kéo lại gần phố nhớn được vài phần. Chứ cách đây độ chục năm, nhắc đến Triều Khúc - từ Ngã Tư Sở phải dong xe thêm 4, 5 cây số nữa - là xa xôi ghê lắm. Dân phủi cứ nghe tiếng Triều Khúc là đôi ba phần ngại. Đi lại chỉ là một phần. Phần nữa là cái tiếng làng Triều Khúc máu bóng đá kiểu… rừng rú quá. Đã vác xác vào sân Triều Khúc ngay cạnh bãi tha ma, thua thì không sao, lỡ thắng đôi khi lại có biến. Người ta kể đã có “đầu gấu trung tâm” vào Triều Khúc định lên số, ai dè bị cả làng quây, úp cả gôn cả lưới vào đầu, dần cho mềm nhũn. Nếu không có đội bóng của Công ty Thoát nước Hà Nội thì có lẽ phủi Triều Khúc chưa biết đến bao giờ mới thoát được nỗi niềm “tai nhiều, tiếng ít”. Thoát nước nhờ quân Triều Khúc mà xây được “nghiệp bá”, còn quân Triều Khúc cũng nhờ danh Thoát nước mà đi đến đâu cũng được “welcome”. Thú thật là hồi đầu tiên đá giải quận Hai Bà Trưng, đụng phải FC Thoát nước, tớ thấy tụi này cứ… kỳ kỳ. Nghe danh đã lâu là ứng viên vô địch, mà trông quân hồi vô phèng lắm. Chẳng như Trà Dilmah hay Ngọc Hà, trước trận nào cũng chia tổ khởi động hẳn hoi, phủi Triều Khúc sát giờ bóng lăn mới lệu rệu đeo túi đến, uốn chân uốn tay vài cái, sút dăm ba quả, rít thêm điếu thuốc, thế là vào chiến. Cái cách “chiến” của phủi Triều Khúc cũng lạ đời. Cứ túc tắc, nhẩn nha, chuyền qua chuyền lại. Hết hiệp 1 không ăn quả nào là chuyện bình thường. Chả ai sốt ruột. Chả ai giục giã. Ông bầu béo phục phịch đứng ngoài sân, vê ria, mặt lạnh te. Mãi sau này, tớ mới biết ông bầu ấy là Hùng “béo”. Ông Hùng “béo” quen kiểu đá đấy rồi. Loanh quanh đến cuối trận, thế nào quân nhà cũng “úp” được đôi ba quả, nhiều thì năm, sáu quả. Cứ như kiểu đi đánh dậm mà lần nào cũng biết trước sẽ xúc được cá to. Đội tớ đá với Thoát nước 3 lần, lần nào cũng thua đôi trái. Thua mà không hiểu vì sao thua. Chỉ biết là… đối thủ mạnh. Sau 3 lần thua ấy thì tớ về… chơi cho Thoát nước. Đích thân ông Hùng “béo” gọi điện cho tớ bảo từ giải sau về bắt cho đội của anh, tớ nhận lời mà trong bụng mừng như kiểu được… Barca tuyển dụng. Kể ra thì cũng oách chứ, Thoát nước thời bấy giờ về số má chỉ sau Trà Dilmah và Vườn thú, còn lại, nói thủng thẳng như ông Hùng “béo” lúc bia đã lề khề thì: mình ăn tất, em ạ! Ông Hùng nói không sai. Tớ sinh hoạt với Thoát nước được 6 năm thì 4 năm vô địch, còn lại về nhì, sau Vườn thú. Bại tướng thường xuyên của Thoát nước là các đội bóng hoành tá tràng thuộc chuyên ngành “drinking”: Rượu Hà Nội, Bia Halida… Đấy là hàng phủi “nặng”, còn các cơ quan, công sở cài cắm thêm vài bạn “chân to” thì Thoát nước không bao giờ coi là đối thủ. Cái tên Thoát nước đúng là… không sang trọng, nhưng ai cũng phải ngước nhìn. Đội bóng Thoát nước 3/4 là anh em sống ở làng Triều Khúc, dắt díu nhau, hoặc làm công nhân ở đó, hoặc chơi bóng theo kiểu đến hẹn lại lên. Đến tận bây giờ tớ vẫn không hình dung nổi một đội bóng thuộc diện lẫy lừng khắp Hà thành lại… bình dân đến thế. Việc của anh em ngoài đá bóng thì đa số là ngồi ngáp vặt chờ mưa. Mưa to để khoác áo tơi đi… thông cống. Có lần, 5 giờ sáng, mấy anh em đội bóng vẫn phải xoay trần ra đào bể phốt. Thế mà 7 giờ bóng lăn, đã tề tựu đàng hoàng. Hỏi anh em đã ăn gì chưa, tiền đạo Nghĩa “phở” cười hề hề: làm vài bi rồi. (Bi ở đây chỉ là… thuốc lào Tiên Lãng). Nghĩa “phở” trông đen trũi như một anh nông dân chính hiệu, đi đôi giày Thượng Đình lẹt phẹt, thế mà đá quái dị không kém cạnh ai. Tớ đã từng ăn một cùi chỏ của gã này, gã bị đuổi ra sân 5 phút, nhưng đổi lại, đội của tớ sau đấy thua liền 2 quả. Về sau, thành anh em cùng đội, Nghĩa “phở” mỗi lần nhắc lại chuyện cũ vẫn cười khành khạch: việc nó phải thế em ạ. Rồi bắt tớ uống 2 lon cô ca để… sorry. Phủi Triều Khúc lạ ở chỗ ít ai bia rượu. Nhậu lai rai lại càng không. Anh em đá xong trận bóng là kêu mấy lon nước ngọt, rồi ngồi ăn lạc, ăn dưa chuột chẻ... Đôi lần anh Hùng “béo” ép bia thì nhận về mấy câu trả lời phát nản: Cháu không biết uống đâu. Với cả cháu về bây giờ, còn trận nữa ở nhà. Nản không phải ở chỗ chối bia. “Nản” ở cái giọng, lúc ngân nga như chim, lúc lại mất hết cả dấu hỏi sắc huyền ngã. Các chú nghe xong thì cũng chỉ biết bật cười. Có lẽ chính nhờ không bia rượu mấy mà phủi Triều Khúc chơi “bền” lắm. Đội trưởng Quân “con”, cánh tay phải của Hùng “béo”, hồi còn trẻ chạy biên vào loại nhất Hà Nội. Bây giờ 35 tuổi, đổi biệt danh thành Quân “trễ”, vẫn bon ầm ầm. Già hơn nữa, có anh em trong đội phải gọi là “cậu”, như cậu Sửu, cậu Hưởng, giờ ngoài bốn chục mà vẫn tuần hai trận đều như vắt chanh. Gặp lại tớ, vẫn bá vai bá cổ tình cảm lắm, miệng than: “chân tay rụng hết ra đến nơi rồi còn đá cái gì”, thế mà có bóng là chạy vun vút. Nhớ thời cậu Sửu còn đang phong độ, cậu cầm giữa trông lật khà lật khật thế mà cỡ Bắc “què”, Tùng “cóc” còn phải ngán. Mặt cậu hiền khô, chân tay lẻo khoẻo, nhưng vô phúc cho em trẻ nào sấn vào cậu là được kỷ niệm ngay vài… giọt sương trên mí mắt. Cùng đá với cậu Sửu còn một phủi cỡ bự nữa là Cương “kim”. Cương “kim” thành danh ở sân Y, cùng lứa với nhóm Lâm “bưu”, Quang “tơ” của đội bóng có biệt danh “Tám đỏ”. Món võ gia truyền của Cương “kim” là… hai ngón. Anh chuyên kéo bóng ra biên, nhử đối phương vào để… xiên. Đôi bên xáp lá cà là y như rằng đối thủ oé lên một tiếng, ôm mồm hay dụi mắt liên hồi. Bây giờ thì Cương “kim” đã lên làm sếp, gần như vắng bóng trong làng phủi. Triều Khúc có cái hay là tre già, măng mọc, gối đầu nhau mà lớn rất nhanh. Lúc lứa cậu Sửu, Cương “kim”, Trung “quẩy”, Chiến “san” chuẩn bị gác kiếm thì họ đã gây dựng được tổ trẻ cũng không kém phần bá đạo. Tuấn “ếch”, người lấp chỗ trống của anh Nghĩa “phở” ngày nào, giờ là mẫu tiền đạo toàn năng nhất Hà thành. To xác, nặng cân, che chắn tốt, làm tường im phăng phắc, sút như búa dập, hậu vệ nào phải đeo Tuấn “ếch” là coi như khóc ra tiếng Mán, đêm về chỉ chực lên cơn… sốt. Suốt một thời kỳ dài, Tuấn “ếch” là tiền đạo cứng của Bia Cường hói. Anh đá sân 7 đã thành thương hiệu, mà chơi Futsal cũng rất cừ. Chỉ tiếc tổ Cường hói không mặn mà với môn bóng đá trong nhà lắm, nếu không, Tuấn “ếch” đã có thể kiếm một suất lên tuyển như Giang “dân”, Hoàng “loắng” hay Khánh “hồng”, những người thành danh từ sân phủi. Ngày tớ long nhong đá giải cùng FC Thoát nước thì Công “con” mới chỉ là một cậu bé đi theo đàn anh học việc, xách bóng, trông đồ. Bẵng đi vài năm, từ một anh chàng chỉ đợi giờ nghỉ giữa hiệp là chạy ra sút vài quả bóng cho đỡ “vật”, Công đã trở thành một hậu vệ phải sáng giá. Xem cách đá của Công bây giờ chỉn chu đến giật mình. Cùng với Tuấn “ếch”, Công “con” là gương mặt tiêu biểu của nhiều đội phủi, trong đó có HD Bank vừa vô địch giải Ngân hàng cách đây chỉ vài tuần. Còn nữa, Đạt và Hiệp là hai cầu thủ không có biệt danh. Đơn giản vì lúc nào cũng đi với nhau thành cặp, chỉ cần nói thằng Đạt thằng Hiệp Triều Khúc là ai cũng biết. Va nhiều thành quái, bộ đôi này thay nhau lúc đá thòng, lúc đá biên, lúc nhồi cả vào tiền vệ trung tâm, đối thủ cứ gọi là quay như chong chóng. Nói phủi Triều Khúc mà không nhắc đến Tuyên “bao” thì thật là thiếu sót. Anh này chơi gôn không bao giờ đi găng. Tuyên “bao” người dặt dẹo y như nghiện, nhưng tiền đạo có lực lưỡng đến mấy mà cứ quay lưng lại với anh là xác định… nằm sân. Tay đấm bóng, chân thúc mạng sườn, Tuyên “bao” ngoài tài lẻ bắt 11m ăn tiền còn khét tiếng bởi tài chẵn: “ăn thịt người”. Người ta bảo Tuyên “bao” không có tuổi. Hồi tớ về chơi cho Triều Khúc, tưởng anh đã giải nghệ đi làm ăn xa rồi, thế mà sau gần chục năm, lại thấy anh tay không giữ thành cho Triều Khúc ở giải Ngọc Bảo. Giờ thì lứa già Triều Khúc hầu như không còn chơi cho Thoát nước. Đội lão tướng Alibaba được thành lập, quy tụ gần đủ hết những anh em cốt cán một thời. Đừng thấy già mà coi thường các bro trẻ nhé. Ưng cái bụng thì “móc” một trận, giao lưu thôi. Dưa Góp 
Quảng cáo