Mỗi kỳ một nhân vật... Kỳ 46: TIỀN ĐẠO TỪ NHƯ HIỂN

Thứ tư, 31/05/2017 11:45 (GMT+7)

Từ Như Hiển sinh ngày 16/06/1945 tại Tân Đảo (New Caledonia), tập luyện và thi đấu cho các đội: Thanh niên Hà Nội, Công an Hà Nội, thi đấu cho đội tuyển Việt Nam từ năm 1965. Ông không nhớ...

Từ Như Hiển sinh ngày 16/06/1945 tại Tân Đảo (New Caledonia), tập luyện và thi đấu cho các đội: Thanh niên Hà Nội, Công an Hà Nội, thi đấu cho đội tuyển Việt Nam từ năm 1965. Ông không nhớ nổi đã ghi bao nhiêu bàn thắng, nhưng mỗi năm trung bình ghi 20 bàn cho cả CLB lẫn đội tuyển. Hiện ông đang tham gia hoạt động trong CLB cựu cầu thủ Hà Nội do ông Nguyễn Ngọc Điệp làm chủ nhiệm. Biệt danh Hiển “coóc” Những ngày cuối năm 1963, trên chuyến tàu trở về từ hòn đảo xa xôi nằm gọn lỏn giữa Thái Bình Dương, cụ Từ Như Anh đưa mấy người con trở về nước. Từ Như Hiển (17 tuổi) và anh trai Từ Như Thành nhanh chóng được đội bóng đất Cảng Hải Phòng “chiêu mộ” vì họ đã nghe tiếng qua lời giới thiệu từ trước. Nhưng cơ duyên lại đưa anh em họ Từ xuôi về Hà Nội. Từ Như Hiển không tập luyện ở Thể Công, cũng chẳng phải Bưu điện hay Đường sắt... mà theo đề nghị của ông Hoàng Nghĩa Đường - Trưởng phòng Thể dục thể thao bên Ty Công an Hà Nội (CAHN), anh em Thành - Hiển được cho về CAHN thi đấu. Ông Hiển nhớ lại: “Lần đầu tiên đi tập cho CAHN, tôi vẫn chịu di chứng của lần ngộ độc gỏi cá, trước ngày về Việt Nam. Đầu ngón chân của tôi vẫn đau buốt cùng những bước chạy, nhưng nhớ quyết tâm và đam mê với trái bóng tròn nên phải cắn răng chịu đựng để được ra sân. Tập xong tôi phải vào bệnh viện để điều trị, may mắn là chữa khỏi nên sau này tôi hăng hái hơn”. Bấy giờ chơi bên cạnh đàn anh Tô Hiền, cái chân trái của ông đã thực sự cho thấy rất “quái”. Từ Như Hiển nhanh chóng trở thành vua phá lưới và cùng CAHN vô địch ba giải đấu lớn ở miền Bắc: Giải Tổng Công đoàn, Giải kỷ niệm 10 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1964), Giải các đội bóng miền Bắc. Khi đó người hâm mộ Hà Nội đặt cho ông biệt danh Hiển “coóc” - do có khuôn mặt Tây và cách nói chuyện đệm dăm ba câu tiếng Pháp. 18 tuổi, Từ Như Hiển được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, đi đá giao hữu tại Phnom Penh với đội tuyển Campuchia. Cùng đợt tập trung lần đó (1965), Hiển “coóc” chưa là gì so với những tên tuổi lừng danh từ trước của bóng đá Việt Nam khi ấy, với những Trương Tấn Nghĩa, Lê Thế Thọ, Trần Duy Long. Cũng chỉ nghĩ được gọi vào cho “đủ mâm, đủ bát”, Hiển “coóc” không ngờ tên mình lại nằm trong danh sách 11 cầu thủ xuất phát ngay đầu. Dù thuận chân trái nhưng bị bố trí đá tiền đạo bên phải lệch vai nhưng Hiển ra sân vẫn chơi hết mình nhiều lần làm cho hàng thủ đối phương điêu đứng. Luôn bị “soi” với Thế Anh, Cao Cường Những trận đấu giữa CAHN và Thể Công đích thực là derby Hà Nội, luôn là đề tài tranh luận của người hâm mộ thời đó ai giỏi hơn ai. Mỗi lần hai đội thi đấu, sân bóng như chia đôi. Từ Như Hiển nhớ lại: “Khi đó mỗi lần bước ra sân, tôi như bị sức ép là phải ghi cho được bàn thắng để mang chiến thắng về cho đội nhà. Thực sự tôi xác định cầu thủ đã ra sân thì phải chơi hết mình, trên sân ai hay ai dở sẽ được chứng tỏ nên nhiều khi khán giả hào hứng quá tạo tâm lý căng thẳng cho cầu thủ đôi bên. Bản thân tôi không bao giờ tham gia vào những cuộc “chiến” kiểu đó. Nhưng nhiều lúc cứ bị so sánh này nọ hết sức mệt mỏi”. Ngày đó, Từ Như Hiển như số phận đeo đuổi luôn bị đem ra “đặt lên bàn cân” để cân đo với anh em họ Nguyễn. Thuận chân trái, ban đầu Từ Như Hiển được xếp đá tiền đạo trái, so sánh với Ba Đẻn Nguyễn Thế Anh. Tới lúc vào đá trung phong, Hiển “coóc” lại được so kè với Cao Cường. Chỉ có điều mọi người thừa nhận rằng ở đội tuyển quốc gia Hiển “coóc” luôn chơi rất hay bên cạnh Trần Hùng (tức Hùng “xồm” của Cảng Hải Phòng) trở thành bộ đôi tiền đạo được đánh giá là xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam thời bấy giờ. Từ Như Hiển nhìn nhận: “Hồi đó mỗi lần đá cặp với anh Hùng, không hiểu sao chúng tôi lại chơi rất ăn ý nên mỗi khi phối hợp, chạy chỗ như đã đọc được ý của nhau từ trong đầu. Còn ở đội CAHN, tôi cũng chơi rất hợp với anh Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Văn Nhã và Lê Văn Đặng. Chúng tôi tạo thành những mũi tấn công gắn kết. Tôi ghi được nhiều bàn cũng nhờ tài kiến tạo của các anh ấy”. Nói về đối thủ, Hiển “coóc” cho rằng mình chỉ “sợ Thiêm, nể Giáp” mà thôi. Thiêm - Giáp chính là bộ đôi trung vệ lừng danh một thời của Thể Công - Nguyễn Quý Thiêm và Nguyễn Trọng Giáp. Lật cổ chân phải ghi bàn chân trái So với những cầu thủ đương thời, Từ Như Hiển nổi tiếng là sút xa tốt và có biệt tài ở những tư thế khó vẫn sút nhanh và sút chính xác khi đang di chuyển với tốc độ cao gây bất ngờ cho đối phương. Hiển “coóc” còn có những cú đi bóng lắt léo bằng chân trái và xoay người kết thúc rất nhanh, đến nỗi hậu vệ kèm ông vừa thấy ông ngoặt bóng chưa kịp nghĩ ông sẽ ra chân như thế nào thì “phằng” bóng đã nằm trong lưới. Cái chân trái trứ danh của Hiển “coóc” Kỷ niệm mà ông Hiển nhớ nhất là năm 1974 khi đá với Công an Hải Phòng: “Lúc đó tôi bị hậu vệ đối phương kèm chặt và đá rát đến nỗi lật cổ chân phải. Nhưng tôi vẫn nén đau để chơi và ghi ba bàn bằng chân trái. Sau đó Lê Văn Đặng ghi thêm hai bàn nữa”. Một dấu ấn khác mà ông Hiển không quên là lần vào phía Nam thi đấu sau ngày thống nhất đất nước. “Chúng tôi rất háo hức và bản thân tôi cũng hồi hộp khi đối đầu với các hậu vệ danh thủ TP.HCM như Đỗ Cẩu, Dư Tân hay Tam Lang, Lê Đình Thăng. Trận đầu CAHN đã chơi thật đẹp thắng đội Công nghiệp thực phẩm 2-1, nhưng sau đó bị đuối sức nên thua trận sau trước Cảng Sài Gòn 1-3. Chỉ tiếc là khi đó tôi không ghi được bàn nào”. Rời sân cỏ ở tuổi 36, ông cũng rời ngành với quân hàm thiếu tá. Và cũng như một số cầu thủ thời đó, Từ Như Hiển xoay qua làm kinh tế và cũng ít xuất hiện ở những chỗ đông người, nhất là những trận bóng đá. Ông tâm sự: “Thực sự tôi không muốn nói nhiều về CAHN nữa vì cái tên đó từng đi vào lòng người với những thời khắc rất đẹp hồi thập niên 1970, 1980 dù bây giờ không còn tồn tại nữa. Mong mỏi lớn nhất của tôi và nhiều cựu cầu thủ khác là cầu thủ bây giờ hãy cố gắng hơn để bóng đá Việt Nam mạnh hơn nữa. Một khi được xã hội quan tâm nhiều, có nguồn thu nhập cao hơn, các em cần phải trui rèn tốt hơn để nâng cao chất lượng, cống hiến chứ đừng có những biểu hiện thiếu ổn định, sa sút, phập phù như cách chơi trong nhiều trận đấu ở V-League hiện nay”. Một ngôi sao sáng trên bầu trời bóng đá Ngày trước, tiền đạo Từ Như Hiển mang áo số 10, nổi tiếng là cầu thủ có tốc độ bứt phá cực nhanh, bên cánh trái. Ông vừa chạy vừa sút căng bằng chân trái một cách điệu nghệ, khiến cho nhiều hậu vệ đối phương phải ôm hận. Cao 1,71m, nặng 65kg; gương mặt và dáng chạy giống Tây; thi thoảng nói pha tiếng Pháp, anh được gán cho biệt danh Hiển “coóc”. Là con của một gia đình Việt kiều sinh sống ở Tân Đảo (New Caledonia) về nước năm 1963, mang theo niềm đam mê bóng đá cuồng nhiệt, hành trang của Hiển “coóc” mang về nước là hai thùng đựng giày đá bóng của Pháp sản xuất. Vì nổi tiếng từ khi ở Tân Đảo nên khi Từ Như Hiển vừa đặt chân về nước, đã có nhiều đội bóng danh tiếng đến mời chào, nhưng cuối cùng ông đã nhận lời về với đội bóng đá Công an Hà Nội. Kể từ đầu năm 1964, đến những năm sau này Hiển “coóc” và anh trai là Từ Như Thành đã góp phần làm cho đội Công an Hà Nội trở nên nổi tiếng. Trong cả 3 giải mà Công an Hà Nội vô địch vào năm 1964 là Giải Tổng Công đoàn, Giải chào mừng 10 năm giải phóng Thủ đô và Giải toàn miền Bắc, Hiển “coóc” đều là Vua phá lưới. Một năm sau, khi mới 19 tuổi, Hiển “coóc” đã được chọn vào đội tuyển quốc gia, sát cánh cùng với những cầu thủ xuất sắc thời đó như Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Hoàng Tiến Nghị, Lê Đình Chính... Từ Như Hiển được đánh giá là tiền đạo hay nhất Việt Nam thập kỷ 1960 và 1970 của thế kỷ trước. Tuy vậy, ông vẫn khiêm tốn nói với tôi: Đúng là tôi có chút ít năng khiếu nhưng may mắn là sinh ra trong một gia đình thể thao, có môi trường văn hoá tốt, lại được những người thầy nghiêm khắc chỉ bảo nên mới có điều kiện cống hiến hết khả năng của mình. Trong gia đình tiền đạo Từ Như Hiển còn có hai người em trai là Từ Như Sơn đá cho Đội Công an Hà Nội, Từ Như Quang đá cho Đội Đường sắt Việt Nam. Sau đó, con trai ông là Từ Minh Hải cũng một thời khoác áo Công an Hà Nội. Đội Công an Hà Nội trước đây, Hiển “coóc” có những đồng đội giỏi, gắn bó như Điệp “lùn”, Đặng “cóc”, Quang “béo”, Nghị “chớp”, Thành C... Hồi đó, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Long đã từng nhận xét: “Từ Như Hiển cùng các cầu thủ Đội Công an Hà Nội đã gây thiện cảm hơn với người hâm mộ. Như vậy cũng có nghĩa là đã làm tốt nhiệm vụ chính trị cho lực lượng CAND”. Năm 1982, khi đã ở tuổi 38, tiền đạo Từ Như Hiển rời sân cỏ. Anh làm huấn luyện viên U16 của Công an Hà Nội trong hai năm rồi giã từ nghiệp bóng đá. Giờ đây, cứ cuối tuần, ông lại dẫn cháu đích tôn là Từ Hoàng Long (13 tuổi) đi tập đá bóng ở sân Hoàng Cầu, với hy vọng thằng nhỏ sẽ nối nghiệp ông nội để trở thành một tuyển thủ cừ khôi. Ông bảo: Nếu được thế thì còn vui gì bằng!. Hùng Hùng "xồm", Hiển "coóc" - cặp tiền đạo hay nhất của bóng đá Việt Nam Họ là đại biểu của bóng đá Việt Nam thế hệ trước, ở thời bao cấp hẳn hoi, vậy mà tài nghệ cá nhân và khả năng xuyên phá mọi hàng thủ thì quả là vô song. Trong số những cặp tiền đạo "vang danh một thuở" của bóng đá Việt Nam thì Hùng "xồm" (tức Trần Hùng) và Hiển "coóc" (Từ Như Hiển) được coi là bộ đôi hay nhất. Lần giở những trang sử của bóng đá Việt Nam, người ta có thể kể ra nhiều cái tên như đôi cựu trào Thông - Bưởi (thập kỷ 1940), Nghĩa - Đô (thập kỷ 1950), Chi - Nhi (thập kỷ 60) đến lớp sau đó như Đức "tàu bò" - Túc "gù" (Hải Phòng) hay thế hệ gần đây là Lê Huỳnh Đức - Trần Minh Chiến. Tuy nhiên, hầu như giới chuyên môn và những người sành điệu chỉ dừng sự lựa chọn khi cùng nghĩ đến cặp tiền đạo sáng danh của Hà Nội thập kỷ 1960-1970 Hùng "xồm" và Hiển "coóc". Tung hoành sân cỏ... Thử tưởng tượng thế này. Trên hàng công của đội tuyển nọ, người ta có một tiền đạo hay quanh quẩn khu vực cấm địa, lâu lâu mới nhận bóng và chỉ cần một tích tắc, anh ta có thể ghi bàn bằng cả hai chân với sự khéo léo đến khó tin. Tiền đạo còn lại thì chạy nhiều hơn, khỏe và khi cần là đè người "đi" vào khung thành rồi vừa chạy vừa nã đạn tung lưới đối phương... và đó chính là hình ảnh của Hùng "xồm" và Hiển "coóc" ngày nào. Chưa hết, họ biết đổi chỗ hợp lý và bao giờ cũng nhìn thấy nhau bằng giác quan thứ sáu. Sinh thời, hầu như khó ai kèm nổi họ nếu không phạm lỗi. Cá biệt như Phúc "vổ" lâu lâu mới mới có thể phá bóng từ chân hai quái kiệt này. Nhìn chung, đây là mối kinh hoàng của mọi khung thành. Trên sân Thượng Hải, Hùng "xồm" lập kỷ lục cho bóng đá Việt Nam khi ghi cả 05/05 bàn vào lưới tuyển Công nhân Thượng Hải. Trên sân Hàng Đẫy, Hiển "coóc" ghi bàn duy nhất cho tuyển Việt Nam khi đá với đội tuyển Olympic CHDC Đức. Siêu hậu vệ thép Nguyễn Trọng Giáp thường là nạn nhân của cặp tiền đạo ấy, kể cả Sachio, Bát Nhất II, Cuba, Liên Xô cũ khi đến Việt Nam. 30 năm trước, khi được hỏi ý kiến về cặp tiền đạo hay nhất Việt Nam, Khôi "kinh kông" đã suy nghĩ một hồi rồi trả lời "Trần Hùng và Từ Như Hiển của Hà Nội". Đúng, có cả trăm cách ghi bàn của cặp tiền đạo này. Hạ cánh sớm Ai cũng biết, ở môi trường thể thao và bóng đá nói riêng, tỷ lệ đào thải là quá lớn. Điều này đã ứng với hai "quái": Hùng "xồm" nghỉ ngơi khi đang sung nhất, Hiển "coóc" xuất ngũ khi mới "một sao hai gạch" trong sắc áo Công an Hà Nội. "Hoàn cảnh mà" - họ trả lời như thế trước sự tiếc rẻ của bè bạn. Cả hai đều phải "tư duy để tồn tại", đi làm kinh tế theo những cách thức khác nhau. Tất nhiên, họ có những nỗi đau đời mà không phải ai cũng dễ dàng chia sẻ, nhất là khi đã sức cùng lực kiệt. Hiển "coóc" yếu sức khỏe do bạo bệnh. Một lần thăm anh tại tư thất, Hiển đùa: "Hôm xưa là thời oanh, còn đến nay là lúc liệt phải không ông?". Hiển "coóc" vẫn ở phố Bà Triệu sau khi nghỉ đá. Anh cho thuê mặt tiền ngôi nhà để người ta mở cửa hàng bán đồ hộp và bánh kẹo. Gia đình lớn cũng quanh đó, năm trước, sau khi tiễn biệt về nơi an nghỉ cuối cùng Thành C - tức Từ Như Thành, anh trai của Hiển và là hậu vệ CAHN thập kỷ 1960-1970, Từ Như Hiển có vẻ trầm tư hơn trước. Em trai anh là Từ Thanh Sơn cũng sống trong ngôi nhà này, thi thoảng họ lại ngồi ôn cố tri tân. Một lần, nhân xem tuyển Việt Nam - Thái Lan, bạn thắng 4-0 với hai bàn của Natipon, Hiển "coóc" vỗ đùi tiếc rẻ: "Nói thật, nếu Trần Hùng và tớ còn khỏe như xưa, vào sân trận này thì cái hàng thủ lỏng lẻo kia làm sao ngăn nổi chúng tớ!" Trần Hùng khỏe hơn bạn. Tuổi ngoài 60, vậy mà vẫn chơi lão tướng và anh đủ sức đi qua hầu hết hậu vệ U50. Hùng "xồm" có một bà vợ tuyệt vời, chị Tính khéo làm đủ mọi việc và vợ chồng anh đã về ngôi nhà 96 Hàng Bạc, sát vách với nhạc sĩ Nguyễn Cường. Một hôm, Hùng "xồm" lái chiếc xe Ford mới tậu đến thăm bạn. Lúc chia tay, cựu danh thủ xoay mãi chiếc vô-lăng mới lùi ra được. Bạn đùa: "Ông chỉ khéo đôi chân thôi Hùng ơi!". Hùng "xồm" từng tâm sự: "Tôi chia tay sân cỏ sớm, lỗi cũng do mình. Tham vọng thì nhiều lắm, vậy mà chẳng làm được bao nhiêu cho bóng đá. Phải làm kinh tế để sống, nhưng cứ nhìn lại bóng đá mình đang loay hoay mãi sao mà thấy chạnh lòng thế. Mà cái quỹ thời gian của chúng ta thì còn được bao nhiêu, bóng câu qua thềm thoắt cái đã sắp hết cả"...
Quảng cáo