Thầy Park nên chọn SEA Games hay World Cup làm mục tiêu chính?

Thứ năm, 01/08/2019 22:10 (GMT+7)

Chúng ta sẽ tham gia hai sân chơi quan trọng trong năm nay: VL World Cup và SEA Games 2019 tại Philippines. Thầy Park phải đồng thời gánh trách nhiệm ở cả ĐTQG lẫn ĐT U23. Trong quá khứ, chúng...

Chúng ta sẽ tham gia hai sân chơi quan trọng trong năm nay: VL World Cup và SEA Games 2019 tại Philippines. Thầy Park phải đồng thời gánh trách nhiệm ở cả ĐTQG lẫn ĐT U23. Trong quá khứ, chúng ta từng thất bại khi sử dụng HLV ngoại cho cả hai nhiệm vụ. Vì thế, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào nhiều hơn? Thách thức lớn đè lên vai thầy Park  Thành công vượt mong đợi trong hơn 2 năm cầm quân, HLV người Hàn Quốc mang theo hy vọng và cả kỳ vọng lớn của NHM Việt Nam. Niềm vui của cả dân tộc vô tình trở thành áp lực ngàn cân với thầy Park. Ông khó có thể “chuyển giao” công việc của mình cho trợ lý và đội ngũ giúp sức, dù họ đều là những nhà chuyên môn có năng lực. Đầu tháng 6, thầy Park túi bụi việc khi chuẩn bị King’s Cup cho ĐTQG ở Thái Lan, ĐT U23 được giao lại cho trợ lý Kim Han-yoon. Lúc đó, ĐT U23 có nhiệm vụ quốc tế là thi đấu giao hữu với ĐT U23 Myanmar tại Việt Trì (Phú Thọ). HLV đồng hương của thầy Park tận lực chỉ đạo các học trò, cũng dầm mưa dãi nắng với những nhiệm vụ không đơn giản được giao phó. Kết quả là trong gần chục ngày ngắn ngủi, Kim Han-yoon mang lại sinh khí và sự lắp ghép khá ổn cho ĐT U23. Các cầu thủ trẻ đã chơi đầy hy vọng trước ĐT U23 Myanmar, giành chiến thắng trong cơn mưa tầm tã có cả sấm sét và có những nhân tố để lại dấu ấn trong lòng NHM cả nước như Huỳnh Tấn Sinh, Triệu Việt Hưng, Thái Quý...

Vì áp lực và kỳ vọng lớn của NHM Việt Nam, thầy Park không thể chia sẻ nhiệm vụ cho các trợ lý, dù các trợ lý của ông cũng là những nhà chuyên môn có năng lực tốt

Nhưng, việc chỉ dừng lại ở đó. HLV Kim Han-yoon dù là cánh tay phải của thầy Park cũng phải... nhường ghế cho “đại ca” của mình khi ông trở về từ King’s Cup Thái Lan. Điều này không phải do chủ ý của chiến lược gia 60 tuổi, mà là áp lực từ VFF, từ kỳ vọng quá lớn của NHM Việt Nam khiến thầy Park không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiêm nghiệm hai vai trò. Kim Han-yoon trở về với công việc của một trợ lý, như 10 người khác đang giúp thầy Park ở cả hai đội tuyển. Trên thế giới, có ít trường hợp HLV phải kiêm nhiệm như ở Việt Nam. Mỗi HLV cấp đội tuyển chỉ nắm 1 đội, hoặc đội lớn (ĐTQG), hoặc đội nhỏ (U23) hoặc các đội tuyển U. Họ không lẫn lộn công việc dù mọi cấp độ đội tuyển đều được liên thông, kết nối với nhau về nhân sự. Một cầu thủ U cũng có thể chơi ở U, ở ĐT U23 và cả ĐTQG nếu đủ năng lực. Tuy nhiên, ở Việt Nam thường HLV trưởng ĐTQG thường sẽ kiêm cả HLV ĐT U23. Không ít lần các chuyên gia nước ngoài phải phân thân ở cả hai nhiệm vụ không hề dễ dàng này mà chẳng có lựa chọn khác. Sự rủi ro cũng từ đó mà ra. Một người làm quá nhiều việc, áp lực đè nặng cùng thời điểm đương nhiên khó mang lại hiệu quả cao. Ví dụ điển hinh là trường hợp của HLV Alred Riedl, khi ông được giao nhiệm vụ ở cả ĐTQG lẫn ĐT U23 Việt Nam tại các nhiệm kỳ năm 2003-2004, 2005-2007. Thành tích của hai đội tuyển không được như kỳ vọng của NHM, chúng ta thường thua trong các trận cầu quyết định, hoặc không thể tập trung cao độ khi bước vào giai đoạn then chốt. Nên chọn SEA Games làm nhiệm vụ chính? Với thầy Park hiện nay, mục tiêu SEA Games và World Cup được kỳ vọng như nhau. Ông sẽ phải giữ ghế cho quan chức VFF, làm hài lòng NHM Việt Nam bằng những chiến thắng và chiến tích như đã từng thể hiện. Dường như, điều đó là bắt buộc. Trong suy nghĩ của không ít người, thầy Park phải “đảm bảo” cho thành công. Thầy Park không thể thất bại được. Vì trong tay ông đang là thế hệ cầu thủ tài năng nhất mà bóng đá Việt Nam từng sở hữu?! Tuy nhiên, vấn đề là hiện nay là thầy Park mà VFF và cả NHM chỉ nên chọn hoặc World Cup hoặc SEA Games làm mục tiêu chính. Bởi, thực lực của hai đội tuyển chỉ có thể gồng gánh tốt ở một nhiệm vụ cụ thể. Trên thực tế, ĐTQG và ĐT U23 đang “dùng chung” quân số của nhau. Rất nhiều cầu thủ đang ở độ tuổi U23 là trụ cột của cả hai đội tuyển, như Văn Hậu, Quang Hải, Văn Toàn, Hồng Duy, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng (thủ môn), Bùi Tiến Dũng (trung vệ), Tiến Linh, Hà Đức Chinh. Nếu số cầu thủ này đồng thời căng sức ở cả hai mặt trận, thì đó chắc chắn không phải giải pháp tốt.

SEA Games 30 là mục tiêu khả dĩ hơn đối với thầy Park, vì áp lực và trình độ World Cup có vẻ chưa phù hợp với ĐT Việt Nam

Đấu trường World Cup luôn là thách thức cực lớn cho tham vọng, trình độ và cả sự chuẩn bị dài hơi. ĐT Việt Nam hiện nay có thể thi đấu đạt chỉ tiêu ở vòng loại thứ hai (chung bảng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và UAE), nhưng câu chuyện tiếp theo không đơn giản chút nào. Vì khi vào đến vòng đấu thứ ba, tức vòng đấu cuối cùng giành vé đi Qatar 2022, ĐT Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ vượt tầm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Iran, Iraq, Australia, chưa kể những đội bóng khác như Kuwait, Uzbekistant, Krygyztan, Triều Tiên thậm chí cả Trung Quốc, Bahrain, Thái Lan, Oman cũng có thể trở thành đối thủ lớn của ĐT Việt Nam. Dẫu biết, trong bóng đá không gì là không thể và trong bóng đá, chuyện thần kỳ nào cũng có thể xảy ra. Nhưng World Cup vẫn là sân chơi có quá nhiều thách thức cả về thực lực lẫn yếu tố lịch sử. ĐT Việt Nam có vẻ chưa đủ điều kiện để tiếp cận ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhìn sang nước bạn Thái Lan, họ ấp ủ giấc mơ World Cup từ những năm cuối thế kỷ trước. Thái Lan đã từng có cả một chiến dịch World Cup với rất nhiều tiền và điều kiện thuận lợi để phát triển. Họ bắt tay với nền bóng đá châu Âu, đưa cầu thủ sang lục địa già rèn luyện, chăm bẵm ĐTQG ở mức tốt nhất. Họ thậm chí “quên” sân chơi khu vực, bỏ qua SEA Games những mong hiện thực hoá giấc mơ World Cup. Thái Lan từng thi đấu rất tốt ở vòng loại thứ nhất và thứ hai trong kỳ World Cup gần nhất năm 2018. Nhưng họ không thể làm gì khi bước vào vòng đấu quyết định thứ ba. Thái Lan thua không ngẩng được đầu trước các đội bóng được liệt vào hàng đại gia khu vực như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, UAE, Iraq. Kết thúc vòng đấu này, Thái Lan kiếm được duy nhất 1 điểm từ trận hoà Iraq, còn lại họ thua tất cả các trận, ghi 3 bàn, thủng lưới 19 quả. Trung Quốc cũng là tấm gương để chúng ta tham khảo. Quốc gia tỷ dân không tiếc tiền tấn để biến giải VĐQG thành điểm đến của những ngôi sao. Mục đích của họ là nâng tầm cầu thủ bản địa từ “gốc rễ”. Nhưng thành tích bóng đá đối với Trung Quốc như một thứ gì đó rất xa xỉ. Họ thường bại trận trong cuộc chiến cuối cùng, giống như Thái Lan. Áy thế nhưng khi đặt Thái Lan và Trung Quốc đối đầu với ĐT Việt Nam, họ lại là những đối thủ lớn mà thắng thua “chưa biết thế nào”. Từ đó suy ra, ĐT Việt Nam không dễ đạt được thành tích vượt tầm và tiếp cận sân chơi World Cup cho dù thi đấu khởi sắc ở vòng loại thứ hai tới đây. Mục tiêu SEA Games có vẻ hợp lý và thực tế hơn với thầy Park và ĐT U23. Vì hiện nay, chiến lược gia người Hàn vẫn có thể sử dụng các “cựu binh trẻ tuổi” đã cùng ông trải qua rất nhiều chiến tích trong hai năm qua. Trong khi đó, các đội tuyển U23 trong khu vực vẫn là những con người ấy, chưa có sự thay đổi hay đột phá quá lớn. Vấn đề của thầy Park các cộng sự chỉ là “kéo gần” khoảng cách trình độ giữa các cầu thủ trụ cột U23 (đồng thời đang là trụ cột ĐTQG) và quân số mới, để họ không bị lạc nhịp khi khoác chung màu áo. Nhiệm vụ này khả thi hơn là việc dồn toàn tâm toàn ý, sử dụng tận cùng nội lực cho chiến trường vượt tầm World Cup! Bảo Thắng (bài đăng trên báo Tuổi trẻ&Đời sống số ra Thứ Hai 29/7/2019)
Quảng cáo