(Tư liệu) Hồi ức của một phủi già (kỳ 1): Nhớ một thời sân đất

Thứ ba, 04/07/2017 20:35 (GMT+7)

Kỳ 1: Nhớ một thời sân đất Bây giờ, “phủi” Hà Nội hầu như không còn thói quen chơi sân đất nữa. Khắp nơi, các tụ điểm sân cỏ nhân tạo mọc lên nhan nhản. Nhưng với một người “cổ...

Kỳ 1: Nhớ một thời sân đất Bây giờ, “phủi” Hà Nội hầu như không còn thói quen chơi sân đất nữa. Khắp nơi, các tụ điểm sân cỏ nhân tạo mọc lên nhan nhản. Nhưng với một người “cổ và cũ” như tớ, thì hình như bóng phủi cứ phải đá sân đất mới mê hồn… Trên sân đất mà đi đôi bata Tàu, đá quả bóng đen trắng Hải Phòng, loại có chữ Pelada vẹo vẹo thì ôi thôi rồi cảm giác. Bóng như dính vào chân, chân như bám vào sân, bạn tha hồ xoay vặn, rê dắt, đặt lòng, bấm điểm rơi, mắt lác, xâu kim, vê gầm, chích “mủi”… Nói chung là đủ các thể loại kỹ năng, ngón nghề mà dân chơi chỉ cần nhìn thoáng qua đã biết bạn là… phủi cứng.

Sân Long Biên, không phủi cứng Hà thành nào chưa từng chạy ở đây

Sân đất là môi trường khắc nghiệt, thử thách tình yêu thực sự của dân “ghiền” bóng đá. Mùa hè, bụi thốc lên theo gió, các danh thủ chơi xong trận bóng thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tóc tai, mi mắt bạc phơ, đất hoá thành bùn chảy thành dòng trên lưng, trên ngực, lông chân lông tay quện hết lại với nhau, uống cốc nhân trần phải nhổ ra mấy ngụm mà mồm vẫn lao xao toàn sạn. Mùa đông, mặt sân cứng đanh như gỗ, chẳng may trượt ngã là “đánh săm” – chẳng thế mà phủi “nặng” cứ vén quần lên là hai bên hông chi chít toàn những vết thâm tròn xoe bằng đồng xu hay chạy dài như con rết… Nhiều trận đấu đang hồi gay cấn thì bị ông trời bắt nghỉ giữa chừng, vì sân đất cứ mưa là trơn nhầy nhẫy, cố chạy vài phút là mặt sân thành mặt ruộng ngay. Báo hại các con giời vừa vuốt mặt không kịp vừa chửi đổng.

Sân nhà máy nước ở Yên Phụ, cứ mưa là không được đá. Rất nhiều lần anh em chơi bóng tức nổ máu mắt vì BQL sân rất... cứng. Mưa là nghỉ, không có ngoại lệ.

Nhưng có khổ ải, nhọc nhằn, bẩn thỉu hay bực dọc, ấm ức, tiếc nuối… mới thấy hết được cái sự khát khao chơi bóng của dân phủi một thời. Thời ấy, sân bóng không bạt ngàn như bây giờ. Mỗi sân đều có những đặc điểm riêng, là lãnh địa của những thế lực riêng và gắn với những ngôi sao đã đi vào ngôi nhà danh vọng của “phủi”.             Các bro còn nhớ những sân nào??? Sân Tứ Liên là một trong những cái sân đặc biệt nhất của phủi Hà thành những năm 1990, 2000… Gọi nó là chảo lửa thì đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sân hình lòng chảo, bởi nó nằm gọn lỏn giữa một bên bờ đê, một bên vườn chuối, hai bên còn lại là khu nhà của ban quản lý sân. Tiếng là ban quản lý cho oai, thực ra đấy là nhà của ông “tiều phu” tên Chính. Đá sân Tứ Liên sướng ở chỗ lúc chờ đợi có bàn bi-a, vợ ông chủ bán nước rất… xinh và khi thi đấu thì có cầu thang đi xuống sân đàng hoàng. Chưa kể những trận bóng chiều tà bao giờ cũng thu hút hàng trăm khán giả ngồi trên bờ đê ngóng xuống, quang cảnh đáng mơ ước cho những cuộc đấu đỉnh cao. Trà Dilmah một thời yêu sân Tứ Liên chẳng khác gì sân Long Biên “ruột”. Tứ Liên là chỗ để cứ chiều thứ Ba, thứ Sáu, Tú “khỉ”, Long “kim”, Sơn “phốc”, Trung “chinh” hay Anh “tệu” lại tha hồ trình diễn thứ nghệ thuật gọi nôm na là “vờn đến tận gôn mới ăn”. Hồi ấy, Công an Hà Nội hay Thể Công về Tứ Liên đá sân 7 với Trà hầu như đều nằm cửa dưới. Nó khác với sân Long Biên, nơi Trà chủ yếu thể hiện kỹ năng đá gôn to sân 11 với những hảo thủ từ chuyên nghiệp về như Thắng “chíp” (Lã Xuân Thắng), Công “múa”, Minh “phích”… Thời ấy, Trà hay 10 thì phủi Hàng Khoai, Quảng An, Phúc Xá… cũng hay đến 7, 8 phần. Những cái tên như Cường “U lý”, Hùng “mắt na”, Trường “trứng”, Tú “mẩu”… cũng làm mưa làm gió ở khu lân cận. Nếu Long Biên, Tứ Liên, Quảng An, Nghĩa Dũng, Mùng 10… được coi là cụm sân “sang trọng” của các đàn anh ở phía Tây Hà thành, thì sân Giày Thăng Long, Tân Mai hay nhà thi đấu quận Hai Bà lại là địa bàn của… bia và rượu. Dân phủi gọi cho vui thế, nhưng mà thật. Những đội nổi tiếng nhất của khu vực ấy là Bia Halida và Rượu cồn Hà Nội.

Sân đất vẫn lưu giữ nhiều phần ký ức của giới phủi Hà thành

Những ai từng đá bóng ở đây chắc chắn đều phải nhớ anh em nhà Bách “nuli”, những dị nhân lẽ ra nếu có thêm tiền và may mắn thì đã đứng trong hàng ngũ CAHN, Lân “khủng khiếp” hay Tuấn Anh “rượu”… Đội bóng Halida từng 4 năm liên tiếp vô địch giải quận Hai Bà chủ yếu nhờ uy lực của bác già Chiến “san”, trước khi nhường lại 2 giải cho Thoát nước Hà Nội, khi đó nổi lên nhờ lớp trẻ thanh niên Triều Khúc.

Sân bóng làng Triều Khúc từng dung dưỡng bao thế hệ phủi cứng nức tiếng Hà thành

Nhắc đến Thanh niên Triều Khúc thì lại phải quay sang sân Y (đại học Y). Nó là sân bóng bình dân nhất, bởi giá thuê rẻ (70 ngàn/tiếng, trong khi các sân khác đều 100, 120 ngàn). Thế nên dù mặt sân hơi xấu, cầu môn lộ cộ và thường xuyên sân nọ chạy lẫn sang sân kia, nhưng sân Y thu hút rất đông học sinh, sinh viên và “phủi” non. Thanh niên Triều Khúc với những Đạt, Hiệp, Tuấn “ếch”, Quân “trễ”… đều lớn lên từ sân Y. Đặc biệt, nhóm trẻ Techno sau này thay thế Trà Dilmah trở thành đội bóng mạnh nhất Hà Nội suốt một thời gian dài. Khi đội Nguyễn Trãi của tớ bắt đầu… chớm già thì Techno mới là những cậu bé đang tuổi lớn, đá không biết mệt và sẵn sàng chấp nhận thất bại trước những đội đàn anh để tích luỹ đỉnh cao. Hoàng “lý” chiều nào cũng ra sân Y, chỉ tập phất bóng dài và đỡ ngực. Giang “dân”, Hiệp “cóc”, Cường “cúc”, Tuấn “ốc”… cũng lê la đến mòn chân ở đấy để sau đó vài năm làm nòng cốt cho Bia Cường hói và gây rúng động cả giải Futsal toàn quốc. Nếu mở rộng địa bàn thêm nữa thì sân Làng Đơ (Hà Đông) cũng xứng đáng được nhắc đến trong ký ức của dân phủi Hà thành. Ngày ấy từ Hà Nội vào Hà Đông là một cái gì xa xôi lắm. Nhưng ở Làng Đơ có anh em Lai “xồm”, Xuân “xồm”, Sơn “mão”… với một lối đá riêng, một phong cách đón tiếp nồng hậu rất riêng với loa đài, cờ hoa, bình luận viên rộn ràng như mở hội cấp quốc gia… Giờ thì những sân bóng huyền thoại ấy đều đã lên cỏ nhân tạo hết rồi. Chỉ còn những sân hiếm hoi như Nhà máy nước (Ba Đình) hay Cơ khí (Thanh Xuân) là còn giữ nguyên đất nện. Nhưng giới trẻ hôm nay hình như ưa sân cỏ nhân tạo hơn thì phải. Đá cỏ nhân tạo ít sợ mưa, không lo lầy lội, đá xong vẫn sạch sẽ tinh tươm, và đặc biệt là còn được diện những đôi giày đinh cao su tiền triệu chứ không phải bata Tàu rách giá hai chục ngàn như thời cổ đại.

Bây giờ, sân nhân tạo ni-lông là chuẩn mực của giới bóng đá phong trào nhiều nơi, không chỉ Hà Nội

Tớ thì chẳng chê gì sân cỏ nhân tạo cả, nhưng thấy tốc độ “ni lông hoá” sân đất chóng hết cả mặt, bỗng thấy tiêng tiếc một cái gì đó. Hình như là tinh hoa, là hồn phách của phủi Hà thành… Dưa Góp  Ảnh: Sưu tầm (còn tiếp)
Quảng cáo