VĨNH BIỆT NGUYỄN VIẾT CẦU – MỘT TÀI NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA THỂ CÔNG 1965.

Thứ tư, 31/05/2017 11:14 (GMT+7)

NGƯỜI “NỔI LOẠN” ĐÃ RA ĐI VĨNH VIỄN! Tôi biết Nguyễn Viết Cầu từ khi còn chưa nhập ngũ. Đó là cuối năm 1964, khi Đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên toàn...

NGƯỜI “NỔI LOẠN” ĐÃ RA ĐI VĨNH VIỄN! Tôi biết Nguyễn Viết Cầu từ khi còn chưa nhập ngũ. Đó là cuối năm 1964, khi Đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân trên toàn miền Bắc. Đoàn TDTT Quân đội (Thể Công) không còn được yên ổn tập luyện tại sân VĐ Cột Cờ Hà Nội và các thành phố lớn, để tồn tại và tiếp tục phát triển nhắm tới những nhiệm vụ sau giải phóng, theo chỉ thị của Bộ QP, Đoàn Thể Công trở lại là một đơn vị trực thuộc Trường Sỹ quan lục quân Việt Nam, đóng quân tập luyện tại xã Cổ Đông, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây – một vùng đất hẻo lánh, xa các nơi đông dân cư và các đô thị lớn, ít khi bị máy bay địch nhòm ngó. Khi ấy tôi đang sống cùng gia đình tại khu gia đình Trường Sỹ Quan Lục Quân với lịch sinh hoạt thường xuyên như sau: Buổi sáng đạp xe đi học tại Trường Cấp III thị xã Sơn Tây, buổi chiều học về tôi ra sân xem đội bóng đá Thể Công tập luyện và ra sau cầu môn nhặt bóng cho các chú các anh. Với sự đam mê bóng đá tôi không bỏ sót một buổi tập nào của Thể Công vì thế, tôi quen mặt biết tên tất cả các cầu thủ Thể Công khi ấy. Từ Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Đình Hán, Văn Sỹ Chi, Thái Nguyên Bền, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Quý Thiêm, Nguyễn Ngọc Sơn…ở đội 1 đến các anh Ngô Tôn Nguyện, Vũ Huy Hùng, Trịnh Minh Huế, Triệu Tiến Lực… ở đội 2. Một hôm như mọi khi ra xem đội 1 tập luyện, tôi phát hiện ra một cầu thủ mới toanh cùng tập với các anh, tay này trẻ lắm, trắng trẻo, tóc đen nhánh và xoăn như…Tây! Phải nói là Nguyễn Viết Cầu đặc biệt đẹp trai, có vẻ gì đó rất rất Hà Nội. Tôi ngạc nhiên vì sao trẻ thế không tập ở đội 2 lại tập ở đội 1? Hỏi ra mới biết: Đây là trường hợp đặc biệt ban lãnh đạo Thể Công quyết định tuyển chọn bất thường. Cậu ấy tên là Nguyễn Viết Cầu, nghe nói là con cầu tự trong một gia đình có nhiều chị gái ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội. Trông trắng trẻo đẹp trai thế nhưng đám trẻ quần thảo trái bóng suốt ngày ở sân Long Biên và những người hâm mộ bóng đá ‘phủi” không ai không biết Cầu “điên” vì ngoài vẻ ngoài dễ ưa, Cầu còn có một biệt tài đặc biệt của bóng đá, khó có ai có thể sánh được: đó là cái cách cậu ấy dẫn bóng, qua người nhẹ nhàng và đẹp mắt khó ai có thể bắt chước được. Trong một trận thi đấu, đội nào cũng muốn có Nguyễn Viết Cầu vì hắn có thể dẫn bóng qua 2,3 thậm chí 4,5 người một lúc bằng cách đảo người liên tục khiến đối phương chôn chân, hoặc đưa bóng qua khe 2 chân (qua háng) rồi tiếp tục đi bóng qua cả rừng chân đối phương như vào chỗ không người rồi đặt nhẹ trái bóng vào giữa cầu môn chứ không thèm sút mạnh như những người khác! Biệt tài ấy đã khiến Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung Ương cấp tốc tuyển chọn ngay lập tức. Và Cầu đã ở trong biên chế Trường HLTW từ đầu năm 1964 khi mới 14 tuổi. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì Nguyễn Viết Cầu nằng nặc xin thôi ở Trường HLTW, đòi vào Thể Công bằng được. Và khi một tài năng hiếm có như vậy muốn đến với mình, ban lãnh đạo Thể Công không thể từ chối. Tôi biết Nguyễn Viết Cầu từ khi ấy và cũng đã vài lần đọ sức với hắn qua các trận thi đấu gôn tôm 1 đấu 1 trong sự cổ vũ của các bạn bè tôi. Thế nhưng cho dù đã thể hiện hết tài năng, tôi luôn là người chiến bại vì vào trận, cho dù hắn nhường quyền giữ bóng trước, tôi luôn luôn bị đoạt bóng nhanh chóng, liên tục bị hắn xỏ háng, qua người rồi…thua trận. Có lúc một mình Cầu chấp cả 2, thậm chí 3 đứa bạn tôi mà chúng tôi vẫn thua! Chúng tôi phục sát đất tài năng Nguyễn Viết Cầu và luôn nghĩ rằng sau này hắn sẽ là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của Thể Công. Cho đến tháng 11 năm 1965, trúng tuyển vào đội bóng đá 2 Thể Công, tôi chính thức là đồng đội của Nguyễn Viết Cầu. Sự đam mê bóng đá của Nguyễn Viết Cầu cũng rất nổi tiếng: Lúc nào trái bóng cũng kè kè bên mình kể cả lúc ngủ và lúc đi chơi. Những động tác dê dắt bóng đôi lúc có rườm rà một chút song ai cũng phục Cầu vì nhờ có lối chơi tự do ấy, nhiều lần đội bóng đá hưởng lợi vì yếu tố bất ngờ do Cầu mang lại. Sự cố gắng của Cầu đã đưa anh cùng đi tập huấn 1 năm với chúng tôi tại CHDCND Triều Tiên năm 1967-1968, đi tập huấn ở Hunggari năm 1969 và cuối năm ấy Nguyễn Viết Cầu được lên tham gia thi đấu ở đội 1 trong vị trí hộ công lùi với chiếc áo số 8. Trong đội hình Thể Công những năm 1969 đến 1974, Nguyễn Viết Cầu luôn là cầu thủ nổi bật với tài dắt bóng, đột phá qua người cực kỳ đẹp mắt. Khán giả hâm mộ luôn yêu quý cầu thủ Hà Nội đẹp trai như tài tử điện ảnh có tài đi bóng qua người đặc biệt của anh. Tuy nhiên, do cá tính luôn thích tự do làm theo ý mình và một phần cũng do là con cầu tự, quen được nuông chiều nên Nguyễn Viết Cầu cũng thể hiện đầy đủ một nhược điểm khó sửa, đó là sự nổi loạn không thể kiềm chế. Sự “nổi loạn” ấy đã khiến Cầu ‘điên” nhiều lần không tuân thủ kỷ luật, đấu pháp chiến thuật dẫn tới thi đấu thiếu hiệu quả. Anh đã không còn được thi đấu trong đội hình chính thức của Thể Công. Năm 1975, Nguyễn Viết Cầu được cử lên Thái Nguyên bổ sung lực lượng cho đội bóng đá Quân Khu I. Một năm sau, Cầu trở về thi đấu cho đội Phòng Không tại Hà Nội. Năm 1978 Nguyễn Viết Cầu ra quân. Năm 1979 Nguyễn Viết Cầu định cư tại CHLB Đức. Xa quê hương nhưng luôn nhớ về Tổ quốc, luôn nhớ bạn bè và luôn nhớ những kỷ niệm về Thể Công, về đồng đội… Mỗi lần có bạn bè từ Việt Nam sang Đức, Nguyễn Viết Cầu thường chủ động gặp gỡ, nhiệt tình đưa đón chăm sóc. Mỗi lần về thăm nhà ở Việt Nam, ông luôn được anh em bạn bè nhiệt tình chào đón, quan tâm chu đáo…Mọi người luôn dành cho Nguyễn Viết Cầu sự quý mến chân thành bởi sự yêu đời, lạc quan và cả “trái tim nổi loạn” của Ông. Ông đã sống ở Berlin cho đến ngày 29 tháng 1 năm 2017, Nguyễn Viết Cầu đã ra đi sau một căn bệnh hiểm nghèo thọ 67 tuổi. Ông là một phần không thể thiếu của Thể Công 1965 và lịch sử bóng đá Thể Công! Vậy là trái tim nổi loạn của Nguyễn Viết Cầu chàng trai Hà Nội đặc trưng với tài năng bóng đá đặc biệt đã ngừng đập! Ông ra đi nơi xa xôi, cách trở chúng tôi không thể đến đưa tiễn, qua anh em bạn bè tại Berlin CHLB Đức, tất cả các cựu cầu thủ Thể Công xin gửi lời vĩnh biệt Nguyễn Viết Cầu và xin chia buồn sâu sắc tới gia đình Ông... Xin thông báo với bạn bè gần xa, những người hâm mộ tin buồn này. T/M đồng đội Thể Công 1965. Vũ Mạnh Hải
Quảng cáo