Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là Ban Kỷ luật VFF ra bản án vụ pháo sáng cháy nghi ngút trên khán đài và cháy đường chạy sân Mỹ Đình chiều 24-6 nhưng đối tượng phạt lại là ảo,...
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam là Ban Kỷ luật VFF ra bản án vụ pháo sáng cháy nghi ngút trên khán đài và cháy đường chạy sân Mỹ Đình chiều 24-6 nhưng đối tượng phạt lại là ảo, không thực. Vòng 14 V-League để lại tiếng xấu là lửa pháo sáng nghi ngút cháy khắp sân Mỹ Đình và được che chắn bởi những lá cờ mang tên Hội CĐV bóng đá Hải Phòng. Pháo sáng không chỉ cháy trên khán đài mà còn được ném vô tội vạ xuống sân làm cháy và tróc cả đường chạy hiện đại ở sân Mỹ Đình. Việc xử lý tất nhiên đầu tiên phải đánh đúng vào công tác an ninh, an toàn trận đấu mà ban tổ chức sân (liên quan đến đội chủ sân là CLB Hà Nội) không hoàn thành nhiệm vụ do không kiểm soát được tình hình. Phần lỗi này thì án đã ban hành và hoàn toàn đúng. Riêng án kỷ luật CĐV Hải Phòng cấm đến sân khách trong các trận CLB Hải Phòng thi đấu sân đối phương thì có nhiều điểm rất lạ. Cũng cần biết là CLB Hải Phòng không có hội CĐV chính thức do tình hình phức tạp giữa CLB bóng đá Hải Phòng và những nhóm người hâm mộ địa phương. Chính Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cũng thẳng thắn lên tiếng rằng: “Đã có nhiều án phạt giáng xuống đầu đội Hải Phòng trước đây mà không liên quan gì đến đội bóng, hay nói khác đi là nhiều nhóm CĐV Hải Phòng quậy phá không thuộc nhóm CĐV chính thức của CLB bóng đá Hải Phòng. Họ là những người phá bóng đá và tự phát đến sân để quậy phá thì tại sao CLB Hải Phòng lại phải chịu trách nhiệm”. Ông Hùng còn chia sẻ: “Nhiều lần tôi mời họ vào nhóm CĐV chính thức của CLB để hoạt động lành mạnh, quy củ, có tổ chức, có người quản lý và có chịu trách nhiệm nhưng đều vô nghĩa. Họ không thích vào. Thực tế điều thách thức nhất của CLB Hải Phòng là những nhóm người tự phát xưng là CĐV Hải Phòng”. Vì thế mà án phạt của VFF đưa ra cấm CĐV Hải Phòng đi sân khách giống như chém… gió vì chủ thể của Hội CĐV Hải Phòng đã không tồn tại. Còn những người Hải Phòng yêu bóng đá thực sự thì tự dưng lại chịu tiếng oan và bị cấm cản. VFF biết tỏng tòng tong những ngóc ngách, những khó khăn mà lãnh đạo CLB Hải Phòng phải đối mặt với nhóm CĐV tự phát. Tuy nhiên, ban kỷ luật lại vô tình hay hữu ý đánh đồng tất cả để ra một án phạt chung chung nhắm vào CĐV dù CLB Hải Phòng thừa nhận là họ không có hội CĐV chính thức. Trước đây, việc xin phép hay cấp phép cho những nhóm CĐV bóng đá của các CLB luôn là vấn đề được đưa vào dạng “nhạy cảm”. Riêng Hải Phòng thì CLB đi một đằng, CĐV đến sân làm một nẻo và thậm chí là còn thách thức lại những người làm bóng đá. Chính vì thế mà có những banderole không giống ai và cũng không ai chịu trách nhiệm nhưng nó vẫn nhơn nhởn diễn ra. Những người đến cổ vũ theo số đông đấy là dạng tự phát và tất nhiên không chịu quyền kiểm soát của bộ phận nào. Đám đông còn thách thức ban tổ chức, gây khó cho đội nhà. Cũng sau án kỷ luật cấm CĐV Hải Phòng đi xem sân khách, chính ông chủ tịch Trần Mạnh Hùng đã lên tiếng đăng đàn “Đố mà cấm được!”. Ông Hùng nói hoàn toàn đúng. Bởi khi đưa ra một quyết định nào, một án kỷ luật nào cũng phải cân nhắc yếu tố ngoài phạm vi bóng đá, quy chế còn phải yếu tố pháp luật. Việc VFF đưa ra án phạt cấm CĐV Hải Phòng đi xem sân khách là không thể được. Ông chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng rất mệt mỏi vì nhiều nhóm CĐV của đội nhà không thuộc quyền quản lý của CLB, làm sao cấm người hâm mộ đến sân trong khi CĐV Hải Phòng thì chỉ là khái niệm chung chung, mơ hồ. Tấn Phước - Nguyễn Huy (plo.vn)Bóng đá không khán giả
Bóng đá không khán giả là bóng đá chết. Vì thế mà những chủ sân như Hà Nội, TP.HCM, Long An… rất thèm cái không khí ở Lạch Tray hay những trận đấu có CLB Hải Phòng thi đấu. Chính các cầu thủ cũng nói rằng họ thèm cái cảm giác nườm nượp khán giả đến cổ vũ và hô hào kín sân, kích thích tinh thần thi đấu của hai đội. Chính VPF, VFF khi tổ chức V-League hay những giải đấu cũng mong có khán giả đến sân vì đấy là cầu thủ thứ 12 và là động lực quan trọng để bóng đá phát triển. Thế nhưng nghịch lý với bóng đá Việt Nam và đặc biệt ở cái sân nổi tiếng là chảo lửa như Hải Phòng thì cái hội cổ động viên đấy lại không được công nhận bởi những rắc rối về mặt pháp lý lẫn công tác quản lý. Vừa qua sân Mỹ Đình nổi cộm sự cố cổ động viên áo đỏ mang cờ, banderole cổ vũ đội Hải Phòng đốt hơn 50 quả pháo sáng ném la liệt các khán đài và cả xuống sân làm cháy cả đường chạy. Đó là hành động vô tổ chức, là phá hoại bóng đá và là thách thức công tác tổ chức. Nói họ không thuộc tổ chức nào thì không hẳn nhưng nhìn cách họ phối hợp từ việc tổ chức đi từ Hải Phòng lên rồi giương oai đốt pháo sáng trên đường hành quân rồi sau đó dùng cờ quạt để che chắn và đốt pháo sáng thì thật đáng lo ngại. Không thể cấm người hâm mộ đến sân và tuân thủ các quy tắc, quy định về kỷ luật, về an toàn nhưng hoàn toàn có thể cấm được những nhóm người mượn bóng đá để phá bóng đá và để thách thức. Ban Kỷ luật VFF chắc chắn cũng đang gặp khó vì không thể không ra bản án kỷ luật trước sự cố “cháy sân”. Nhưng ra bản án rồi lại chỉ mang tính ra cho có lệ vì biết mình như đánh án vào khoảng không và những người yêu bóng đá Hải Phòng thì chịu thiệt, còn những kẻ phá bóng đá thích, pháo sáng vẫn cứ tìm mọi cách để vào sân và thách thức. Bóng đá Hải Phòng nổi tiếng với các cổ động viên cuồng nhiệt nhưng rõ ràng là khi nhóm đông mang danh là cổ động viên để thực hiện những thách thức ngoài phạm vi quy định của điều lệ thì là phá hoại. Và một khi bóng đá Hải Phòng chưa thể giải bài toán cho chính mình thì CLB này khó có thể phát triển bởi những rối rắm mà những người tự xưng là cổ động viên Hải Phòng mang đến. Sự việc nhiều lúc vượt khỏi tầm kiểm soát của bóng đá bởi nó vượt ra phạm vi của xã hội và của nhóm người mượn bóng đá để thỏa mãn những thú vui quá đáng của mình.ĐỨC TRƯỜNG (plo.vn)