Bầu Đức – người đặt nền móng cho thành công của U23 Việt Nam

Thứ hai, 29/01/2018 18:45 (GMT+7)

Trong thành công của U23 Việt Nam, ông bầu quê Bình Định chính là nhân tố nền tảng cho đội ngũ tài năng trẻ làm rạng danh đất nước. Ông đã trao cho “tụi nhỏ” chiếc vương miện của một...

Trong thành công của U23 Việt Nam, ông bầu quê Bình Định chính là nhân tố nền tảng cho đội ngũ tài năng trẻ làm rạng danh đất nước. Ông đã trao cho “tụi nhỏ” chiếc vương miện của một cầu thủ giỏi đúng nghĩa, để giờ đây, họ có cơ hội trao lại chiếc vương miện lung linh đó cho NHM Việt Nam! Cuối năm 2013, tôi đến trung tâm huấn luyện Hàm Rồng của HAGL trong quá trình đội bóng này chuẩn bị cho V.League. Đó là lần đầu tiên bầu Đức mạnh dạn đưa lứa cầu thủ măng non của mình ra “chiến trường”. Ông bầu họ Đoàn không ngần ngại gạch tên 27 cầu thủ trong biên chế đội mùa trước cho cuộc thay máu mà theo ông “sẽ làm trong sạch HAGL”. Chuyện thay đổi lực lượng chẳng có gì đáng bàn vì bất cứ đội bóng nào cũng có lối đi riêng của mình. HAGL và bầu Đức muốn phát triển theo mô hình nào cũng do họ lựa chọn. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với đội bóng phố Núi từ thời điểm đó (và cho đến tận bây giờ) là khát khao làm bóng đá trẻ của bầu Đức. Người đàn ông có bước đi lẹ lẹ, quần bò, áo thể thao nom giống ông chủ lò mìa hơn là nhân vật được liệt vào danh sách tỉ phú từng bảo, làm bóng đá trẻ vừa lãi, vừa giúp ông thảnh thơi về đầu óc mà chẳng phải lo nghĩ đến chuyện quân tướng ì xèo, rồi lương, rồi thưởng, rồi chỗ ăn chỗ nghỉ. Chỉ riêng việc đi hoà giải những đòi hỏi của các ngôi sao cũng... hết ngày.

Bầu Đức luôn khao khát làm bóng đá trẻ

Chính vì khát khao cháy bóng với công tác đào tạo, bầu Đức đã tự mình tạo ra con đường riêng, như hồi 2002 ông đưa Kiatisak về Việt Nam: Nhập khẩu công thức từ CLB lừng danh Arsenal từ xứ sở sương mù! Theo lý giải của bầu Đức, ông đã tìm được “cửa ngách” để bóng đá có thể tự nuôi sống nó chứ không phải sống nhờ bầu sữa kiểu Xin – Cho từ doanh nghiệp. “Các CLB Việt Nam hiện nay chỉ là cỗ máy tiêu tiền một chiều. Các doanh nghiệp đầu tư chỉ có mỗi cách rót tiền chứ chưa kiếm tiền được từ bóng đá. Chúng ta sẽ phải cố gắng thay đổi điều này”, ông nhấn mạnh “Đào tạo chính là công cụ tiên quyết để một đội bóng muốn tồn tại lâu dài. Các CLB bây giờ tui biết là cứ trình kinh phí lên các nhà tài trợ toàn gần trăm tỉ đồng cho một mùa. Nhiều thế họ lấy đâu ra mà chơi được nên nhiều người nản chí. Tui tính toán rồi, kinh phí dành cho một đội bóng cỡ 30-35 tỉ đồng/mùa là chơi được. Nếu đội bóng nào cũng trình mức kinh phí ấy thì tỉnh nào cũng hỗ trợ tức khắc chứ đâu cần đi gọi hết ông nọ bà kia để tài trợ”. Mà nữa, đào tạo cầu thủ để CLB sử dụng có nhiều cái lợi. Lớn nhất là sự gắn bó và tình yêu với CLB. Bầu Đức kỳ vọng HAGL sẽ không chỉ thành công cho mục tiêu gói gọn trong phạm vi CLB, mà mảnh đất Hàm Rồng cũng sẽ vươn lên xuất khẩu cầu thủ như các nước châu Âu khác đang làm.

Đau đáu vì sự phát triển của các cầu thủ nhí

Nhưng trên hết, bầu Đức khẳng định rằng, ông làm bóng đá trẻ để sau này những cá nhân xuất sắc có thể cống hiến cho quốc gia, làm rạng danh dân tộc chứ không phải chỉ để chơi bóng ở V.League. “Lần nào cũng thấy mình thua Thái Lan mà bực. Thái có gì hơn ta mà cứ gặp là thua? Tôi sẽ cố gắng giúp NHM Việt Nam tạo ra khái niệm “đội bóng thắng Thái” từ cầu thủ thuần Việt. Cứ chờ cái lứa này mà xem”. Năm 2007, trong ngày cắt băng khánh thành lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, bầu Đức công khai khẳng định “sẽ thành công” vì không thể không thành công khi tất cả các khâu được làm tử tế! Lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn chính là những hạt mầm đầu tiên được gieo trên đồi núi Hàm Rồng của Gia Lai. Các cầu thủ sẽ được tiếp cận với phương pháp huấn luyện mới, cách thức mới và suy nghĩ cũng mới.

Văn Thanh - một trong những sản phẩm ưu tú của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG

Quan khách hôm đó, từ Tây đến Ta đều trầm trồ trước cơ ngơi của trung tâm Hàm Rồng. Sân bãi đẹp, phòng ở tập thể của cầu thủ (tối đa 4 người) gọn gàng, ngăn nắp, có bảo mẫu hướng dẫn tỉ mỉ và luôn đề cao “Góc học tập” của cầu thủ. Trong tư tưởng của bầu Đức, cầu thủ tập tốt cũng phải đi đôi với học tốt. Học không tốt thì đình chỉ tập luyện cho đến khi học tốt mới được tập tiếp. “Một cầu thủ có trình độ đại học, hoặc một cầu thủ được dạy dỗ từ bé sẽ có hành xử khác một cầu thủ chỉ biết đá bóng”, tôi nhớ như in câu nói của bầu Đức và điều đó lý giải vì sao, lứa cầu thủ nói chung của HAGL tốt nghiệp từ JMG có cả Tài và Đức như hiện nay!

Xuân Trường chững chạc cả trong sân lẫn ngoài đời

Điển hình là Lương Xuân Trường, tuổi trẻ nhưng sự chín chắn thì vượt ngưỡng. Xuân Trường không chỉ ưu tú về năng lực mà còn khiến người ta kính nể bởi tư cách đĩnh đạc. Tiền vệ quê Tuyên Quang “bao sân” cho các đồng đội từ thi đấu cho đến sinh hoạt ngay trong các tiểu tiết nhỏ nhất, nhưng không bao giờ anh phô trương hay làm màu để bản thân nổi bật. Cách ứng xử của Xuân Trường là cách ứng xử theo thói quen như vốn dĩ nó phải thế. Cái đó, ngoài “nhân chi sơ tỉnh bản thiện” thì Xuân Trường cũng phải được sống trong môi trường “sạch” thì mới được như vậy! Bầu Đức – trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến đào tạo trẻ - ông đã từng gay gắt tột độ với những cán cân thiên lệch kiểu “con ông cháu cha”. Ông quán triệt cho cấp dưới phải công tâm đến tận xương tuỷ trong công tác tuyển chọn. Con cháu ai cũng không có ngoại lệ, tài năng và đạo đức mới là yếu tố tiên quyết đứng trong hàng ngũ Học viện HAGL JMG. Khi lớn lên một chút, các cầu thủ măng non thấm nhuần chỉ thị của bác Ba, rằng, hễ đá láo đối phương, ăn vạ câu giờ là… đuổi thẳng cổ, không giải thích dài dòng. Chỉ thị ấy hằn vào não thế hệ HAGL JMG lứa đầu tiên đến mức khiếp sợ. Đây là lý do lớn nhất khiến cả thế hệ U19 HAGL được đẩy lên đá V.League năm đầu tiên 2013/2014 trong con mắt của nhiều người là “không biết tranh chấp”. Vì nếu tranh chấp không đúng gây chấn thương cho đồng nghiệp, các em sẽ bị bác Ba… cho về nhà chỉ trong tích tắc. Nói đâu xa, ở giải Tứ hùng U19 Quốc tế đầu năm 2013, chính bầu Đức đã “xuống tay” với trung vệ Hoàng Văn Khánh của Nghệ An khi cầu thủ này vào bóng từ phía sau khiến một cầu thủ U19 AS Roma gãy chân. Tấm gương tày liếp vẫn chình ình ra đó, cháu nào dám!

Những cầu thủ biểu tượng của bóng đá đẹp

Nhưng tư tưởng ấy của bầu Đức cũng khiến đội bóng của ông thua nhiều hơn thắng, đá đẹp xem sướng mắt và… chỉ có thế. Nhiều người cho rằng, bầu Đức có khi quán triệt chưa rõ nên các cầu thủ HAGL hiểu chưa hết giữa “đá láo” và “phạm lỗi” khiến các cầu thủ hoang mang. Điều này, chính bầu Đức cũng từng “đau khổ trong hạnh phúc” khi chia sẻ rằng, ở giải U19 Đông Nam Á năm 2013, U19 VN (đại diện là HAGL tăng cường) đá chung kết với U19 Myanmar, các cầu thủ của ông thắng 3-2 rồi vẫn dồn lên tấn công ào ào, bóng ra biên cũng hộc tốc chạy thật nhanh để… ném vào cuộc. Các pha tranh chấp tay đôi thì cố gắng đoạt bóng hoặc cản trở từ từ chứ không bạo liệt khiến đội bị thua ngược 3-4 trong những giây cuối cùng. “Nhưng mà sướng. Thua cũng sướng. Bóng đá trẻ mà bầy đặt mưu mẹo, ngáng chân chặn tay, tiểu xảo này nọ câu giờ là tui ghét. Trẻ là phải hồn nhiên mà chơi, chơi tận lực tận hiến mới được”, bầu Đức nói.

Thầy Giôm trong lần đầu dẫn quân dự V.League cuối năm 2013

Khi HAGL thua liểng xiểng ở V.League, người ta bắt đầu có những lời chê bai về dàn cầu thủ măng non của bầu Đức, tiếp đó là những mũi dùi chĩa về thầy Giôm (HLV Guillaumer Graechen) và đề nghị ông phải rời ghế. Bầu Đức lúc ấy ra sức bảo vệ thầy Giôm với tinh thần dám chơi dám chịu: “Xuống hạng cũng vui!”. Sau này, ông lý giải, thầy Giôm như người cha thứ hai của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn, ông ta cũng chỉ là “cầu thủ trẻ lần đầu dự V.League như tụi nhỏ” thì đòi hỏi hay ngay làm sao được. Hơn nữa, thầy Giôm mà rời ghế tâm lý và sự phát triển lâu dài của tụi nhỏ sẽ không tốt, mà chúng thì cần tương lai hơn hiện tại. Bầu Đức khi đó kiên định với lập luận của mình cho đến khi chính thầy Giôm cảm thấy “tức ngực khó thở” tới ngưỡng chịu không nổi, ông mới đồng ý thay thế. Cách làm bóng đá, tư tưởng đào tạo trẻ của bầu Đức phải được nhìn nhận là sự hy sinh không đơn giản! Bảo Thắng (Bài viết đã đăng trên báo Tuổi trẻ & Đời sống số 667 ra ngày Thứ Hai 29/01/2018) Ảnh: Sân cỏ 365 và internet
Quảng cáo