Hà Nội từng có rất nhiều sân bóng nổi tiếng với những đặc trưng và nói đến sân Triều Khúc là nhớ đến những giai thoại đi vào lịch sử, gắn liền với cái sân gần 100 tuổi này... Chờ...
Hà Nội từng có rất nhiều sân bóng nổi tiếng với những đặc trưng và nói đến sân Triều Khúc là nhớ đến những giai thoại đi vào lịch sử, gắn liền với cái sân gần 100 tuổi này... Chờ 80 năm mới vô địch giải Xuân Chẳng ai còn nhớ chính xác cái sân bóng của làng Triều Khúc có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cụ Cả Lệ, người năm nay đã hơn 90 tuổi khi nhắc lại chức vô địch giải bóng đá Xuân Ất Mùi 2015 vẫn còn đầy xúc động. Từ ngày cụ 15-16 tuổi, biết đá bóng thì cái sân này đã có rồi. Đội xóm Lẻ là xóm cụ ở, với vài cầu thủ vừa chơi HPL-S3 trong màu áo Triều Khúc mà tiêu biểu là Duy “dấm”, phải chờ 80 mùa Xuân để lần đầu tiên được nâng cao chức vô địch giải làng. Chừng đó đủ để nói lên phong trào bóng đá làng Triều Khúc giàu truyền thống như thế nào. Ít nhất đã 80 năm, giải bóng đá chào Xuân được diễn ra, dù không liên tục do điều kiện lịch sử. Hàng năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán và lễ hội truyền thống thì từ mùng 2 đến 12 âm lịch, Triều Khúc lại tổ chức giải Xuân với 6-7 đội chia theo các xóm. Xóm Cầu của Quân “trễ”, Tuấn “ếch”, Đạt “võ lâm”, xóm Đình của Hiệp “trĩ”, Vinh “cháo”, xóm Án của Thuận “bờm”, Nguyên Công, xóm Lẻ của Duy “dấm”, xóm Chùa của Trung “bin”… đấu với nhau. Các trận bán kết, chung kết bao giờ cũng có đến hàng ngàn khán giả vây kín sân hò hét tưng bừng. Giải Xuân, như ý nghĩa mà các bậc cha chú kể lại, được tổ chức để giúp thanh niên trong làng tránh các thú vui không lành mạnh như cờ bạc, rượu chè những ngày Tết – thứ gắn liền với một làng cổ ven đô.Cụ Cả Lệ, hơn 90 tuổi vẫn đi cổ vũ FC Triều Khúc ở HPL-S3
Nói đến bóng đá Triều Khúc hay sân bóng Triều Khúc là nói về các giai thoại, những câu chuyện “đi vào lịch sử”. Các cụ trong làng này đều kể rằng, vua Phùng Hưng đã cho quân đội lập doanh trại, tập trận ngay trên khoảng đất mà sau này là sân bóng Triều Khúc để tiến đánh thành Tống Bình năm 791. Thuở đó, quân của Bố Cái Đại Vương cưỡi ngựa, bắn cung, tập luyện hăng say và cái sân được gọi là bãi Vần Quần. Sau này, người Triều Khúc xây đình làng thờ vua Phùng Hưng ngay sát cái sân này. Đến tận bây giờ, những cây đa, cây muỗm hàng trăm năm tuổi vẫn đứng uy nghi xung quanh sân. “Mọi nẻo đường đều dẫn về Triều Khúc” Suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Thủ đô, biết bao đội bóng, cầu thủ từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư đã ghé thăm và có kỷ niệm với sân Triều Khúc. Đến tận bây giờ, nhiều người thuộc thế hệ 8X khi nghe các bậc đàn anh, đàn chú kể lại vẫn có thể bô bô kể về những kỷ niệm và những câu chuyện đầy tính giai thoại khi nhắc lại chuyện “về Triều Khúc đá bóng”: “Thua hay hoà thì không sao, rượu thịt ê hề nhưng thắng thì đừng hòng ra khỏi sân, chỉ có bơi qua ao hay chạy qua cánh đồng mới thoát…”. Từ các đội bóng chuyên nghiệp như Quân khu Thủ đô, Thể Công, Đường Sắt Việt Nam, Trường huấn luyện cho tới các đội phủi mạnh như Thanh niên Đống Đa, Thanh niên Hà Đông, Xe lửa Gia Lâm, Pháo Trúc Bạch, Ca nô xà lan… đều từng về sân Triều Khúc thi đấu. Những năm thời bao cấp, chuyện đi lại không dễ dàng như bây giờ nhưng dân đá bóng thập phương vẫn khoái về đây. Họ có thể đến từ Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, nhảy tàu điện leng keng hoặc đạp xe lóc cóc mười mấy km xuống Triều Khúc chỉ để đá trận bóng. Như đội Pháo Trúc Bạch, Tết nào cũng về đá và tặng mỗi cầu thủ Triều Khúc một băng pháo đùng làm quà. Có 2 lý do chính khiến nhiều đội, nhiều cầu thủ từ dân “chân giày” đến phong trào thích đến với sân Triều Khúc. Đầu tiên, cùng với sân Long Biên thì sân Triều Khúc là 2 sân bóng ra đời sớm nhất, có kích thước chuẩn FIFA, mặt sân đẹp. Thứ hai, người dân ở đây đặc biệt mê bóng đá nên mỗi khi có trận đấu hay, họ lại kéo đến sân hàng trăm, hàng ngàn người như đi trảy hội. Những năm đất nước còn khó khăn, một cân đường phân phối rất quý hiếm. Thế nhưng khi có trận bóng của các thanh niên Triều Khúc đấu với thanh niên nơi khác, các cụ lại đổ cả cân đường vào xô pha nước chanh cho các cháu uống. “Đôi khi phần thưởng chỉ là dăm tấm mía hoặc vài điếu thuốc đã là sang rồi, đâu có được đi uống bia như bây giờ”, bác Dân – HLV đội lão tướng Triều Khúc kể lại. Biến cố Năm 1967, quân đội từng xây ụ pháo đặt tại sân bóng Triều Khúc để thiết lập phòng tuyến phòng không, bảo vệ trạm điện tín cách đấy 1km. Cái sân đã chứng kiến biết bao trận oanh tạc của máy bay Mỹ, những quả đạn pháo lao vun vút qua đầu và trút xuống. Đến năm 1973, những ụ pháo này mới được chuyển đi và giải bóng đá Xuân Triều Khúc được nối lại. Đầu những năm 90, người ta đầu tư vài trăm triệu để làm lại mặt sân với đất nện lấy từ bãi sông Hồng đúng tiêu chuẩn mà ở Hà Nội bao nhiêu sân mơ ước. Năm 2010, sân Triều Khúc bị lấy 1/3 để “mượn làm chợ tạm” rồi sau đó lại được “mượn tiếp” khiến sân chỉ còn một nửa. Cái sân bóng đất nện gắn với một phần lịch sử bóng đá phong trào Hà Nội không còn và nó kéo theo rất nhiều hệ luỵ. Giải Xuân đá 11 mấy chục năm truyền thống bị ngắt quãng và khi chơi lại chỉ có thể đá sân 9 nhưng tính chất giải đấu cùng không khí đã nguội lạnh đi nhiều. Cái sân là nơi nuôi dưỡng phong trào bóng đá làng Triều Khúc, giúp bao thế hệ thanh thiếu niên trưởng thành, tránh xa các tệ nạn xã hội bởi họ đã có niềm vui là trái bóng. Giờ đây, chung quanh sân bóng là những bức tường gạch sát bãi tha ma, dãy tường phía sau của chợ với một cái cống thoát nước thải từ chợ ra và ngay cả lối vào sân bóng cũng là một thách thức cho nhiều người lâu không quay lại đây chơi. Để vào được sân bóng, phải có người quen dẫn đường hoặc tự mày mò khá vất vả để đi qua những cái ngách rộng không quá 1m xuyên qua chợ. Nếu như trước kia, sân bóng 11 này có thể chia nhỏ thành 4 sân 7 kích cỡ lớn thì giờ đây chỉ còn 2 sân. Cứ 15h30 chiều hàng ngày, các lão tướng lại tập trung ở quán nước ông Dân, hút thuốc lào, uống nước chè “chém gió” rồi 16h vào sân đá chia đôi như là thú vui tao nhã tuổi già, trước khi làm vài cốc bia rồi về nhà. Nếu như ngày trước, đá xong là 2, 3 đội xếp hàng “xí sân” và đá thua ra được vào thì bây giờ, đôi khi chỉ còn 2 cái gôn đứng nhìn nhau. Ngày xưa, nhiều người được chơi và cũng có nhiều cầu thủ chân đất được trui rèn ở sân bóng này. Và bây giờ, nhiều bô lão trong làng vẫn không khỏi khắc khoải, tiếc nuối về một thời cái sân còn có thể đá 11 người với khoảng trống xung quanh đủ để hàng ngàn người đứng ngồi hò reo cổ vũ ở giải Xuân truyền thống như là ước mơ về “những ngày xưa ấy”. Vào ngày mùng 10 hoặc 11 tháng Giêng dịp Tết Nguyên đán hàng năm, một đội bóng sẽ được chọn làm khách mời để về đá giao lưu phục vụ khán giả. Những trận đấu này trong quá khứ, khi sân chưa bị lấy làm chợ tạm thường thu hút hàng ngàn khán giả. Tết Ất Mùi năm ngoái là đội vô địch HPL-S2 là Tin lớn & Anh em và Tết Bính Thân năm nay sẽ là FC Văn Minh – đội bóng sẽ đi 300km từ Nghệ An ra để “chúc Tết” khán giả Triều Khúc. Theo Hoàng Tuấn Anh (Bài viết cũ trên Thể thao 24h/Webthethao)