Đá phạt đền dễ như nhảy cầu tự tử ý mà

Thứ tư, 30/06/2021 19:31 (GMT+7)

Đá phạt đền dễ như nhảy cầu tự tử ý mà... Trước, phủi Hà Nội cũ có bố Sáu bò, già mà gân. Ra chỉ ra sân để bắt kèo đá phạt đền ăn tiền. Kèo dễ chơi, lại tiền...

Đá phạt đền dễ như nhảy cầu tự tử ý mà...
Trước, phủi Hà Nội cũ có bố Sáu bò, già mà gân. Ra chỉ ra sân để bắt kèo đá phạt đền ăn tiền. Kèo dễ chơi, lại tiền tươi thóc thật, đá xong là lĩnh.
Nhiều cao thủ nhìn... dễ xơi lắm. Tưởng gì, 5 ăn 4, hoặc 5 ăn 3, cầu môn rộng, lại có mỗi một ông già đứng gôn. Thế là cộp tiền.
Nhưng chỉ sau vài Gêm, chuyện dễ nhất lại là... nộp tiền cho bố Sáu bò. Mẹ nó, gôn thì rộng thế mà chân tay hôm nay xoắn quẩy thế?. Nhằm góc cao thì đá toàn vào giữa, nhằm góc chết thì chạm xà bật cột, tệ nữa là ra ngoài. Bố già giữ gôn người thì đậm, dáng ục ịch, tuổi lục tuần mà chân tay... dài thế. Thoắt nên này, thoắt bên kia cứ như Da sa ép.
Thời ấy, có những ông lĩnh lương về nộp vợ, giấu được ít hòng "làm kinh tế thêm" bằng chuyên môn. Nhưng cuối cùng, lợi chả thấy đâu chỉ thấy.. . làm giàu cho bố Sáu ngày một nhanh hơn. Vẫn Gêm cũ, bóng chết, cự ly gần, mỗi một người bắt, chả ai tranh chấp mà đá toàn trượt. Ức trào máu mà chẳng làm gì được. Kể ra, thiên hạ có khi nó cười cho thối mũi vì... ngu.
Chuyện làm ăn kinh tế xem ra cũng khó phết chứ đùa?
Sau này hoàn lương, chơi bóng nhiều, các cao thủ thua pen nhiều với vỡ ra rằng, đá phạt đền là khó nhất chứ đâu dễ như cộp kèo là nhận tiền?Trên chấm trắng, có chuyên môn thì nói be bé cái mồm thôi, kéo ôm nhục vào thân. Cú đánh bạc bằng chân đấy là cuộc chơi tâm lý. Lì đòn hơn thì thắng, lung lay thì xác định?.
Bình thường đá quả nào quả nấy vào "quăng", nhưng chỉ cần buộc tờ tiền vào chân thì cơ thể như xuống tấn, nhấc không nổi. Chưa kể, gặp mấy đồng chí Chim lợn phía ngoài gáy lên gáy xuống thì... đừng hỏi. Ngày thường bách phát bách trúng, vào kèo độ bách phát trúng một cũng... khó thế?!
Cho nên, càng những người có chuyên môn thật, ăn cơm chuyên nghiệp hay lăn lộn sân phủi hàng chục năm thì càng ngại đá phạt đền. Đá vào chả sao, đá trượt thì có khi đi cả sự nghiệp. Khán giả xem bóng đá thì thích sự kịch tính, cao trào cảm xúc của đá pen. Nhưng người trong cuộc thì run rẩy đến tức thở. Nếu được lựa chọn, chả ai muốn đá pen. Thề luôn? Một đội bóng chỉ chọn đá pen khi đối thủ quá mạnh, khả năng cao nhất là cầm hoà và đưa thắng thua đến may rủi. Bởi, thua pen có nhiều thứ để tự hào hơn vỡ trận?
Thế giới từng chứng kiến những cú trượt pen để đời của các danh thủ. Như Van Basten ở Euro 1992, Roberto Baggio ở WC 1994, John Terry ở chung kết C1 với MU 2008. Khán giả đôi khi nhớ đến họ như một "tội đồ" trước khi nhận ra đấy là người hùng hiếm có khó tìm.
Bởi vậy mới nói, đá pen dễ như... nhẩy cầu tự tử ý mà. Bản chất của nó chỉ là cú đá ở cự ly gần nhưng lại mang theo cả một số phận!
Bảo Thắng (Sân Cỏ 365)
Ảnh: News english24
Quảng cáo