Ghi chép: Khi bóng đá thèm khát sự chân thành từ CĐV

Thứ ba, 31/10/2017 02:17 (GMT+7)

1/ Cách đây gần 4 năm, HAGL cho ra mắt dàn cầu thủ được đào tạo theo phương pháp của Arsenal JMG. Họ lần lượt giới thiệu Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn - những sao trẻ tiềm...

1/ Cách đây gần 4 năm, HAGL cho ra mắt dàn cầu thủ được đào tạo theo phương pháp của Arsenal JMG. Họ lần lượt giới thiệu Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn - những sao trẻ tiềm năng đến với người hâm mộ. Gần như ngay lập tức, hiệu ứng "yêu bóng đá đẹp, yêu bóng đá cống hiến" được sống lại trong phần lớn bộ phận những người chăm chỉ theo dõi bóng đá nội. Sự thất vọng được thay thế bằng niềm tin khi rất nhiều người tin vào một cú cựa mình của bóng đá Việt Nam từ tâm huyết của bầu Đức. Phản ứng dây chuyền tiếp theo là HAGL JMG trở thành hiện tượng, trở thành một đội bóng lần đầu tiên sở hữu lực lượng Ultras đông đảo - tức CĐV cuồng tín. HAGL sau đó phủ sóng hầu hết đến giải đất hình chữ S. Đội bóng trẻ nhà bầu Đức thâu tóm phần lớn trái tim NHM Việt Nam. Nói không quá, họ đi đến đâu cũng gây bão. Cảnh tắc đường, chờ đợi, xin chữ ký, rú lên điên dại tưởng chỉ xuất hiện ở trời Tây, khi các ngôi sao như Messi, Ronaldo, Neymar, Kaka đặt chân tới. Nhưng, nó xuất hiện ở Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên, người ta thấy tình cảm NHM dành cho đội bóng thánh thiện, thân ái và thật lòng đến vậy. Đội trẻ HAGL khi đại diện cho Việt Nam dự giải trẻ đã được gắn luôn mỹ từ "U19". Nói đến U19 là nói đến Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Các tài năng măng non ấy gần như đã biến tên gọi của một đội bóng quốc gia thành "tên riêng" của mình. Sau này, khi HAGL (lứa Công Phượng) được yêu quý quá, thì người ta thấy xuất hiện những Anti fans (CĐV đối nghịch) - những người chuyên bóc phốt, tìm lỗi để chế giễu các cầu thủ trẻ mỗi khi họ vấp ngã. HAGL và thế hệ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn -vì thế - cũng mờ dần theo tháng năm trưởng thành cùng Võ lích. Bóng đá Việt Nam vì thế, vẫn là sân khấu khiến người ta cám cảnh... Nhà báo Vũ Công Lập - người được biết đến với những buổi bình luận World Cup, Euro hay những chương trình chuyên đề của bóng đá Đức lý giải hiện tượng HAGL thế này: "Sau rất nhiều năm thiếu minh bạch, thiếu thần tượng và thèm khát sự tử tế, thì bóng đá Việt Nam có HAGL. HAGL là niềm hy vọng gần như duy nhất trong sự thất vọng đỉnh điểm của cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp quốc nội..." Kéo câu chuyện sang sân chơi phong trào, Nhà báo Vũ Công Lập nói thẳng, chỉ có sân phủi mới làm được điều HAGL JMG đã làm. Còn lại, đừng mơ điều đó ở đấu trường V.League. Khán giả đến sân vì quan tâm, vì nỗi niềm đau khổ với bóng đá nội chứ không phải bóng đá nội cho họ niềm vui. 2/ Vậy, bóng đá phủi khác bóng đá phong trào ở điểm gì, tại sao fan phong trào khác fan V.League? Xin nói ngay, bóng đá phủi được vận hành bởi những người có Tiền, có Tâm bỏ ra để Chơi. Chuyên nghiệp thì ngược lại. Người ta dùng bóng đá để Kiếm tiền, để Mưu cầu và Bon chen. Lý do cơ bản ấy đã ngăn cản bóng đá chuyên nghiệp tiếp cận cảm xúc chân thành của khán giả như bóng đá phủi mang lại cho họ. 3/ Đã hai tuần sau ngày Hà Giang League 2017 khởi tranh, sân Hải Phú lần nào cũng đón lượng khán giả mặc đồng phục áo Cờ đỏ-Sao vàng, ai nấy đều trẻ, đều tràn trề sức sống với tinh thần hồ hởi. Họ đi từ huyện Bắc Quang, cách đó trên dưới 60km để cổ vũ đội bóng mà mình yêu thích - FC Nam Linh. Sự có mặt của dàn CĐV toàn học sinh trung học từ Bắc Quang lên đã trở thành điểm nhấn đặc sắc trên khán đài của Hà Giang League 2017. Các cô cậu học trò 12C7 trường PTTH Việt Vinh đang oằn mình với bài vở, chồng chất lo lắng với các "chỉ tiêu đại học" cận kề vẫn quyết theo chân đội bóng cổ vũ đến cùng.

Những chuyến xe chở yêu thương được các CĐV đặc biệt của FC Nam Linh miệt mài thực hiện mỗi cuối tuần. Tất cả chỉ hướng đến mục đích duy nhất: Tiếp lửa cho đội bóng từ khán đài!

Họ đến, họ đi chỉ trong một buổi chiều. Thời gian hạn hẹp, đường xá xa xôi, nhưng không ai trong số các cô cậu học sinh ấy chịu ngồi yên mỗi khi FC Nam Linh thi đấu. Họ hò hét, cùng nhau tạo ra những âm thanh náo nhiệt từ chai nước nhựa để cổ vũ đội nhà. Sự hồn nhiên của họ không khác gì các Ultras từng tôn thờ HAGL JMG trên khán đài. Nét đẹp hiếm hoi của V.League trong quá khứ gần được hiện hữu tại Hà Giang. Cô giáo chủ nhiệm Đinh Thị Thuý Hằng, người dẫn đầu các sinh viên tương lai đất nước vốn là người yêu thể thao, nhiệt tình với phong trào nhưng để theo chân FC Nam Linh thì đó là cả một nỗ lực. Vì trước đây, huyện Bắc Quang cũng rất mạnh phong trào bóng đá, nhiều CLB, nhiều FC được thành lập, đá giải này, giải kia quanh năm suốt tháng. Nhưng để yêu được một đội bóng, thì ngoài Nam Linh, chưa có ngoại lệ! Cô Hằng chia sẻ, cô thấy hứng thú và muốn đồng hành với đội bóng vì FC Nam Linh mang lại những giá trị "nhiều hơn bóng đá". Đó là tinh thần tập thể, sự vượt lên khó khăn và luôn hướng lên phía trước. Điều này giúp ích rất nhiều cho các học trò của cô trên chặng đường chập chững vào đời. Và nữa, FC Nam Linh cũng đem đến cho cô trò 12C7 PTTH Việt Vinh một đam mê, một mối quan tâm và mến mộ. Bóng đá không chỉ là bóng đá, mà bóng đá còn là cuộc sống. Vài năm trước, các Ultras yêu HAGL JMG đôi phần là bấu víu niềm tin bị đánh cắp nhiều năm. Nhưng đội Ultras của FC Nam Linh yêu đội bóng vô điều kiện. Họ đến mộc mạc như một làn gió mát. Và khi cuộc sống đã ngột ngạt với bộn bề lo toan, thì sân phủi và sự thèm khát tình cảm chân thành của các CĐV là lý do chính đáng để FC Nam Linh theo đuổi quyết tâm "gây dựng phong trào bóng đá tử tế" của Chủ tịch UBND Bắc Quang Nguyễn Trung Hiếu cũng như ông bầu Trần Hồng Hiển hướng đến! Bảo Thắng
Quảng cáo