Lên Hà Giang làm bóng đá phong trào không nhọc nhằn như sứ mệnh cõng chữ lên vùng cao. Lên Hà Giang làm bóng đá phong trào cũng chẳng thể sánh với những cung đường gập ghềnh mà những người...
Lên Hà Giang làm bóng đá phong trào không nhọc nhằn như sứ mệnh cõng chữ lên vùng cao. Lên Hà Giang làm bóng đá phong trào cũng chẳng thể sánh với những cung đường gập ghềnh mà những người đang quên mình vì sự nghiệp trăm năm trồng người. Nhưng Hà Giang, vẫn còn đó trở ngại về khoảng cách, về giao thông khiến người ta hình dung về vùng địa đầu tổ quốc là nghĩ đến… dân phượt. Cho nên, để trái bóng lăn trên đỉnh Hà Giang, đam mê là chưa đủ… Câu chuyện thứ nhất: Gieo chữ ở Nàn Sín Cách đây khoảng nửa năm, tôi có gặp lại anh bạn làm trong ngành giáo dục, người Hà Nội gốc, cũng thích bóng đá. Anh bảo, năm ngoái (2016) đôi lần nghe đến Hà Giang League – giải bóng đá phong trào được tổ chức trên Cao Nguyên đá mà mừng. Vì ở Hà Giang, hiếm khi có những sự kiện văn hoá thể thao được quần chúng, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên hướng ứng nhiệt liệt như thế. Anh bạn tôi đã từng là một trong những cán bộ trẻ xung phong leo lên xã Nàn Sín (giáp huyện Xín Mần) đóng góp tuổi trẻ cho sự nghiệp dạy học năm 2013. Anh kể, đấy là chuyến đi “nhớ đời” vì chưa bao giờ anh phải đối mặt với cung đường nào nhọc nhằn như lên Nàn Sín. Anh dùng từ “heo hút, chỉ có mây, gió và đại ngàn” để tả về chuyến đi của mình. Nàn Sín là vùng giáp biên, bốn mùa sương mù bao phủ nhìn mãi chỉ thấy cây Tống Quán Sủ là đứng thẳng khiến người ta có cảm giác mảnh đất này cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Vòng vèo, vật vã qua những cung đường hiểm trở (nhất là đoạn vào cửa khẩu Mốc 5), bị cày nát bởi xe quá tải và chia cắt bởi những con suối, cuối cùng anh cũng đến được Nàn Sín. Theo lời anh kể, cả đội ngũ giáo viên 11 người hôm đó không ai giữ được mình, cứ một chặng là có người xin xuống xe “đánh dấu” nơi đã qua bằng những cú dạ dày trào ngược quặn thắt. Trừ anh lái xe gắng gượng như một chiến binh thì việc đầu tiên của cán bộ xã Nàn Sín là… ứng cứu giáo viên đang mặt xanh như tàu lá, người rũ rượi như vừa lao động khổ sai. Nhưng thách thức chưa hết, ở xã nghèo vùng biên ấy, điện đóm chỗ có chỗ không, cái gì cũng làm bằng sức người và trông chờ vào thiên nhiên càng khiến thách thức trở nên nan giải. Nó có thể đánh gục tinh thần của với bất cứ ai đặt chân đến đây. Mà điểm trường ở Ma Dì Váng còn nghèo nàn hơn trung tâm xã Nàn Sín gấp nhiều lần. Hôm đặt chân đến nhận lớp, có những giáo viên trẻ đã khóc. Họ khóc vì không hình dung nổi nơi mình đến, khóc vì các em nhỏ ở đây quá thiệt thòi và khóc vì chẳng biết mình có hoàn thành nổi nhiệm vụ đã nhận hay không…Nán Sìn vẫn gập ghềnh trên con đường gieo chữ
“Ấy thế mà chúng tôi cũng hoàn thành được 2 năm”, anh chia sẻ, mắt ánh lên niềm tự hào. Anh bảo, Nàn Sín khó khăn là thế, nhưng sự chân thật,mộc mạc của người dân và những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của các em nhỏ hiếu học đã giúp họ đứng vững trên mảnh đất địa đầu tổ quốc. “Lên đến Nàn Sín và ở lại đó hết nhiệm kỳ thì yêu nghề là không đủ...”"Ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ đã giữ chân những giáo viên trẻ ở lại"
Câu chuyện thứ hai: Chuyến xe đêm Tháng 7, Hà Giang mưa cả tháng. Hình như có cả lở đất và ngập úng. Trên chuyến xe đêm ngày 7/7, mưa vẫn như trút. Mưa từ Hà Nội kéo suốt chặng đường không dứt. Bác tài đùa vui: “Đi chơi mà mưa thế này thì thành… đi bơi”. Mưa rừng về đêm được tiếp sức của gió, của không khí lạnh lẽo âm u càng khiến chặng đường của chúng tôi trở nên ảm đạm. Ngày mai khai mạc, nắng không hửng lên có khi hỏng hết giải… Đi qua Sơn Dương, qua Tuyên Quang đến cung đường duy nhất thẳng tiến Hà Giang, mưa càng lúc càng to. Cặp chổi gạt mưa trước kính lái ô tô hoạt động như Quan Vân Trường múa đao vẫn không kịp xoá đi từng đợt nước táp mạnh như ném đá. Một anh bạn cùng đoàn mang theo chiếc loa con, cắm vào iphone réo rắt giọng ca Như Quỳnh với nhạc phẩm “Mưa rừng”, róc rách Phi Nhung – Mạnh Quỳnh với “0 giờ rồi”, “Vùng lá me bay”… hoà lẫn tiếng mưa tạo ra cảm xúc khó tả. Cái thứ nhạc vàng mà người ta hay gọi là bolero cho sang mồm quả biết ru lòng người. Não nề cũng có, lâm ly càng có và thách thức cũng tăng dần. Trên chuyến xe hôm ấy, chúng tôi cùng chung một suy nghĩ: Mong trời dừng mưa để ngày mai nắng đẹp. Nếu không, tâm huyết của những tấm lòng yêu bóng đá Hà Giang, công sức chuẩn bị hơn 2 tháng của nhóm tổ chức từ Hà Nội sẽ khó mà đạt đích! Nhớ lại lời kể của anh bạn trong chuyến công tác Nàn Sín, thì đúng là lên đến Hà Giang, chỉ đam mê không chưa đủ. Nó cần một chút hy sinh, một chút chấp nhận và một chút vì nhau... Câu chuyện thứ ba: Ly trà của bầu Hồng Cùng với FC Dương Nội, FC Thiện Anh (Yên Bái), Trà Dilmah là ba đội bóng ngoài tỉnh nhận lời dự giải. Họ đến Hà Giang Open 2017 với tinh thần trợ giúp và cống hiến. Để sắp xếp công việc cho 3 tuần dự giải đối với những người đi làm, đặc biệt là đội bóng đang hoạt động theo guồng máy doanh nghiệp như bầu Hồng (Trà Dilmah), bầu Dũng – bầu Tuấn (Dương Nội), bầu Hậu (Thiện Anh) thì điều này không đơn giản. Đâu đó, người ta cảm nhận được niềm đam mê, nhìn thấy sự hy sinh và cả tinh thần “chấp nhận”. Vì để cuộc chơi cán đích an toàn, chỉ tình yêu bóng đá không thôi, có lẽ chưa đủ!Hà Giang Open 2017 đã diễn ra trong thời tiết đẹp, không mưa tầm tã như những ngày trước đó
Bầu Hồng trước ngày khai mạc đã gồng gánh đủ thứ đồ đạc mang theo chuyến hành trình đi về hơn 600km. Nào ô, nào trà, nào bàn pha chế… chất đầy một xe bán tải. Nhã ý của một trong những anh cả của phong trào Hà Nội là giúp bóng đá Hà Giang có thêm sắc màu. Thậm chí, bầu Hồng trà còn mời vợ chồng người em thân thiết Nam “xẩm” – Hiền “xẩm”, những người đang quản lý Quán giải khát Trà Dilmah khá nổi tiếng ở 32 Điện Biên Phủ (Hà Nội) đi cùng, giúp các thành viên pha trà thật ngon để NHM và thành viên tất cả các đội bóng được thưởng thức trọn vẹn thương hiệu Dilmah ngay trên “sân nhà”. Mang theo tấm lòng lên Hà Giang, nhưng bầu Hồng và đội ngũ của mình một mực từ chối khi được yêu cầu thông báo rộng rãi trên truyền thông về thiện chí đóng góp. Bầu Hồng bảo, anh cứ làm thôi, phong trào phát triển mà mình chung tay được là tốt rồi cần gì phải rùm beng. Quan trọng là cảm nhận của tất cả về một giải đấu có sự hiện diện của Trà.Những chiếc ô mang thương hiệu Dilmah đã được bầu Hồng chuyển lại cho Tuấn Sơn FC bảo quản để phục vụ các giải đấu tiếp theo
Sau trận đấu sớm chiều Chủ nhật (9/7), bầu Hồng trà còn gửi lại 10 chiếc ô cỡ đại mà anh cất công mang từ Hà Nội lên trao tặng cho Tuấn Sơn FC. Anh bảo, “như thế để lần sau anh em tổ chức không phải mua”. Cẩn thận hơn, ông bầu có vẻ ngoài bình dị này còn dặn lại tỉ mỉ cách bảo trì, bảo dưỡng những chiếc ô để Tuấn Sơn có thể sử dụng lâu dài. Món quà nhỏ, giá trị vật chất không lớn. Nhưng cách bầu Hồng trân trọng gửi đến Hà Giang Open 2017 khiến tất cả cảm thấy ấm lòng. Đâu đó, người ta sẽ nhớ mãi vị trà ngọt mát được pha bằng tình cảm của ông bầu “chỉ nói đam mê là chưa đủ”… Bảo Thắng