Gương mặt Hạng Nhất Phủi 2017: Ngô Quốc Văn - Vớ vẩn mà tinh tế

Thứ tư, 19/07/2017 23:02 (GMT+7)

Cách đây 11 năm, tôi được mời chấm tuyển cho lứa U15 đầu tiên của Hà Nội T&T trên sân Trung tâm Tây Hồ (Xuân La). Tại đó, tôi gặp rất nhiều đứa trẻ khác nhau, nhưng cùng chung một...

Cách đây 11 năm, tôi được mời chấm tuyển cho lứa U15 đầu tiên của Hà Nội T&T trên sân Trung tâm Tây Hồ (Xuân La). Tại đó, tôi gặp rất nhiều đứa trẻ khác nhau, nhưng cùng chung một đam mê là bóng đá. Chúng chẳng biết T&T là gì, ông chủ như thế nào, đội bóng đá hạng mấy, chỉ cần được đá bóng là đủ. Ngô Quốc Văn nằm trong số ấy. Tức là, cậu nhóc cũng chỉ cần đá bóng. Những thứ còn lại… vứt hết vào sọt rác. Ngày đó, Văn nhỏ người, trắng trẻo thư sinh, mặt mũi sáng sủa nhưng không có dấu hiệu gì nổi bật để người ta nhận ra trong đám đông. Nếu như bây giờ, khi tay nghề cắt tóc, “đảo ngói” được nâng lên ở mức “kiếm được tiền”, người ta sẽ dễ nhận ra Văn hơn khi anh tự tạo cho mình một thứ vàng óng, hung đỏ, hay ánh kim ngũ sắc trên đỉnh đầu. Văn lẫn lộn trong lố nhố sĩ tử kéo đến chật sân Trung tâm Tây Hồ thi tuyển. Nếu để ai đó nhận ra Văn, thì chỉ là lúc anh chạm bóng hoặc thực hiện những bài test. So với các bạn đến tuyển, Văn nhanh hơn, khéo léo hơn và cũng ý chí hơn. Đứng cạnh tôi hôm đấy là hai đàn anh Vũ Quang Minh (Minh “bạc”) – cựu cầu thủ Công An Hà Nội, Trần Quốc Trung (Trung “nhật”) – cựu binh Nam Định, từng ăn cơm Tuyển những năm đầu 90 thế kỷ trước, đồng đội Nguyễn Duy Đông (Thể Công, cựu tuyển thủ Olympic VN) và quản ca Công Tuấn – nay vẫn làm việc ở Hà Nội T&T trong vai trò ngôn ngữ. Tất thảy đều chấm Văn là một trong những cái tên lọt vào danh sách được tuyển thẳng, dù cậu là một trong những cầu thủ nhỏ con nhất có mặt trên sân.

Văn Vớ Vẩn (thứ 4 hàng đứng từ phải sang, người đứng thứ 3 là Kiên Messi) trong một trận đấu tăng cường cho lớp nhỏ Hà Nội T&T năm 2007. Người ngồi đầu tiên (từ phải sang) là Việt Cối - hảo thủ của Triều Khúc hiện nay. Một cầu thủ đang đá V.League trong màu áo CLB Sài Gòn cũng có mặt trong ảnh này là Thân Thành Tín (hàng ngồi, thứ 5 từ trái sang). Cầu thủ này đăng ký chơi cho Nguyễn Trãi ở GĐ2 Hạng Nhất Phủi 2017.

Anh già Minh “bạc” hồi đấy còn tấm tắc: “Thằng cu này có thể tiến xa nếu được đào tạo và ăn khối lượng đúng”. Lời khen ấy nghe có vẻ đơn giản, nhưng một hậu bối được đại ca sân cỏ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như anh Minh “bạc” buông lời thì không dễ!
Lứa trẻ U15 Hà Nội T&T ngày ấy tập điên cuồng. Sáng thể lực, chiều kỹ thuật, một guồng quay không có kẽ hở. Đa phần, số cầu thủ trẻ tiến bộ rất nhanh và Văn – đúng theo dự đoán của thầy Minh “bạc”, là một trong những cái tên được “gạch đít” mỗi lần đội bóng tổng kết tấm gương “người tốt, tập tốt” định kỳ. Ở T&T thời gian sau đó, tôi biết Văn là cậu nhỏ nhút nhát nhưng suy nghĩ khá chín chắn, sống tình nghĩa, biết trên dưới. Cậu bé có đôi mắt long lanh, gặp người lớn lễ phép cười, lí nhí chào, lóng ngóng gãi đầu và nhẹ nhàng… trốn. Văn không thể hiện gì ở đám đông nhưng khi cần thì cũng biết cách nổ tung với đám bạn vốn chẳng xa lạ gì với mỹ từ “nhất quỷ nhì ma”.

Văn Vớ Vẩn hay có những pha xử lý đặc trưng sân 11 dù khả năng thích nghi sân 7 của anh khá tốt

Ngày T&T tuyển lứa U15, các lãnh đạo CLB cũng “cấp phép” cho giữ lại những cầu thủ “đầu thừa đuôi thẹo” kiểu lên chưa được, nhưng bỏ thì phí để tập luyện lọc tiếp. Lớp cầu thủ lổn nhổn ấy được gọi là lớp bé, bao giờ cũng tập trước, các anh U15 tập sau vì đội bóng chỉ có mỗi sân Tây Hồ là sân chung. Tôi nhiều lần bắt gặp Văn ngồi trên khán đài xem đội nhỏ hơn mình tập chăm chú. Điều này có thể với cậu lúc ấy chả có gì, nhưng với những người làm chuyên môn, đấy chính là một cầu thủ yêu nghề. Vì chỉ có yêu nghề, người ta mới dám bỏ giấc ngủ trưa, mới dám “hạ mình” xem xét đội cấp thấp hơn tập luyện. Và nữa, hễ hôm nào đội lớn U15 nghỉ là Văn cùng Nguyễn Bá Kiên (Kiên Messi) và một vài cầu thủ khác xuống xin tập cùng luôn với các em. Một sự hoà đồng nghiêm túc nhưng không đơn giản. Sau này, mỗi khi đội nhỏ đi thi đấu xa nhà, Văn Vớ Vẩn và Kiên Messi luôn là những cái tên mà BHL "bắt buộc phải tăng cường". Có họ, các em dễ đá hơn hẳn vì có điểm tựa. Và có họ, đội nhỏ T&T mới có "cửa ăn", còn không, cao nhất chỉ là phương án thủ hoà! +++++++++++++ Văn hồi ấy chắc cũng không nghĩ đến điều gì ngoài khát khao được đá bóng. Tuổi trẻ thì chỉ cần được chỉ bảo, định hướng đường đi đúng là nên người. Nhưng, con đường tưởng bằng phẳng của Văn lại ẩn chứa những cơn sóng dữ. Lứa trẻ U15 hồi ấy lần đầu dự giải U17 toàn quốc (2007) cũng thể hiện được tiềm năng, cũng để lại những dấu ấn đào tạo nhất định của một CLB non trẻ. Tuy nhiên, cái người có quyền cần đôi khi không phải cái người làm chuyên môn mong đợi. Sự kiên nhẫn của ông chủ là ngắn hạn trong khi thời gian mà tuổi trẻ cần trải nghiệm không phải một giải, hay một vài trận. Tập thể trẻ T&T năm ấy rơi rụng lần lượt, từ thầy đến trò rồi cuối cùng lang bạt tứ xứ.

Văn Vớ Vẩn trong pha ghi bàn vào lưới Du Lịch - Ảnh Dương Đông

Văn thuộc diện có thể “cấy tiếp” nên được tạo cơ hội vào ra Nam – Bắc thử chân. Có lần, anh đã định dừng lại ở thành phố Biển Nha Trang, định nuôi nghiệp bóng đá của mình tình trạng xa nhà. Nhưng chữ “Vận” của đời cầu thủ vốn là một thách thức. Tiềm năng đầy rẫy mà không có cơ hội thì cũng chỉ loay hoay trong hai từ “số phận”. Qua nhiều người, tôi biết Văn đã có thời gian khủng hoảng vì không đi hết chặng đường mà nếu được trao cơ hội, chả biết bây giờ anh ở đâu? Hên thì tuyển thủ QG, kém hên một tý thì V.League, xui nữa thì hạng Nhất chứ trình độ và thứ bóng đá Văn được đào tạo không phải tìm vui sân phủi. Nó chỉ là phương án giải toả cho “chí khí nam nhi đứt đoạn” kiểu anh hùng bất đắc chí khi người ta lỡ bước. Đến giờ, tôi vẫn tin lời anh già Minh “bạc“, rằng Văn đủ sức đá ở cấp cao nhất nếu được chỉ bảo đúng hướng và trao cơ hội đúng lương tâm. ++++++++ Câu chuyện của hơn 10 năm trước chẳng còn đúng với câu chuyện của chục năm sau. Văn Vớ Vẩn hôm nay chắc chắn không còn giữ suy nghĩ của Ngô Quốc Văn hồi U15 T&T. Cuộc sống thay đổi, thời thế thay đổi khiến con người buộc phải thích nghi. Văn tự tìm cho mình lối đi riêng, kết hợp được nghề nghiệp và đam mê. Cái đam mê trước kia định chuyển thành nghiệp thì qua rồi, nhưng làm nghề để nuôi tiếp đam mê thì chưa muộn.

Văn Vớ Vẩn bây giờ gắn mình với sứ mệnh "làm đẹp cho người" tại Học viện tạo mẫu tóc Winner 267 Quang Trung - Hà Đông (Hà Nội). Bóng đá là chút thời gian ít ỏi cuối tuần cho thoả đam mê. Ảnh FBNV

Văn bây giờ biến sự khéo léo của đôi chân thành sự mềm mại của đôi tay. Óc quan sát của một cầu thủ tấn công được tích luỹ cho sự tinh tế trong từng nhát kéo hay những gam màu. Còn bóng đá phủi cuối tuần chính là sự giải toả nhớ nhung cho một thời đã xa không thể trở lại. Tôi đồ rằng, nick name Văn Vớ Vẩn không phải Văn để mọi thứ “vớ vẩn”, mà là lời tuyên chiến ngầm với quá khứ của một cầu thủ thừa khả năng đá chuyên nhưng không thành chuyên. Bằng chứng: Ý nghĩa của từ Winner Văn đặt cho Viện tóc của mình có ý nghĩa là “Người chiến thắng”, mà phàm đã là “Người chiến thắng” thì… vớ vẩn làm sao được! Trận đấu thăng hoa của Văn Vớ Vẩn tại vòng 6 Hạng Nhất Phủi 2017: Gia Việt - Từ Sơn + https://www.youtube.com/watch?v=m0hvtW2qPuU Bảo Thắng
Quảng cáo