Học viện Trà Dilmah sẽ là HAGL Arsenal JMG của sân nhỏ?

Thứ sáu, 02/06/2017 14:20 (GMT+7)

Năm 2007, khi HAGL tuyên bố sẽ mở Học viện rất ít người tin họ sẽ thành công. Bầu Đức - trước nghi ngờ của hàng triệu ánh mắt, vẫn quyết tâm theo đuổi cái ông gọi là "Đam mê...

Năm 2007, khi HAGL tuyên bố sẽ mở Học viện rất ít người tin họ sẽ thành công. Bầu Đức - trước nghi ngờ của hàng triệu ánh mắt, vẫn quyết tâm theo đuổi cái ông gọi là "Đam mê đời người". HAGL Arsenal JMG ra đời trong bối cảnh như thế... HAGL những ngày đầu tuyển chọn năm 2007 Tôi nhớ rất rõ ngày HAGL tổ chức buổi lễ ra mắt Học viện JMG. Đó là buổi chiều thứ Tư ngày 10/10/2007, đúng 7 tháng sau đợt tuyển quân đầu vào dành cho các cầu thủ sinh năm 1995, 1996  và đi vào tập luyện giáo án “thuần Arsenal”.  Phố Núi Pleiku rầm rập đón nhiều kênh truyền thông, các ngôi sao một thời của bóng đá Việt Nam như Huỳnh Đức, Đỗ Khải, Hữu Thắng, Hữu Đang, Văn Phụng cùng hàng loạt quan chức cao cấp ngành thể thao từ TƯ đến tỉnh nhà. Tất cả được bầu Đức và các cộng sự bố trí ăn ngủ nghỉ tại Khách sạn HAGL.

Bầu Đức và ngài Keith Edelman - GĐ ĐH Arsenal tại Lễ ra mắt Học viện HAG JMG Trong đại sảnh khách sạn, bất cứ ai cũng có thể đọc được các thông tin từ tấm Pano được treo trang trọng ngay lối vào: Học viện HAGL Arsenal JMG có tổng diện tích 5 ha, gồm: hai sân tập tiêu chuẩn quốc tế; hai khu nhà cao cấp - nhà ở cho học viên (8 phòng sức chứa tối đa 32 học viên), dãy nhà dành cho các chuyên gia, nhà điều hành, phòng xem tivi, phòng học tiếng Anh, massage, phòng họp, thư viện… Riêng phòng tập thể lực và hồ bơi sẽ dùng chung với các cầu thủ đội một HAGL. Tổng kinh phí để xây dựng Học viện là khoảng 4 triệu USD (tính theo thời giá hiện hành là hơn 80 tỷ đồng). Đâu đó, trong số những khách mời, có những tiếng xuýt xoa, có những tiếng bàn tán về sự “chịu chi” của ông bầu HAGL. Học viện quá tốt, quá hoàn hảo, từ sân bãi cho đến các chế độ đảm bảo. Cầu thủ còn được học văn hoá, học tiếng Anh theo “chuẩn Tây” mà chưa bao giờ các tiêu chí đó có tiền lệ ở Việt Nam. Phải nói, Học viện JMG chính là người dẫn đường tiên phong cho công nghệ đào tạo thương hiệu Arsenal ở không chỉ Việt Nam và HAGL là đại diện giới thiệu mô hình ấy! Tuy nhiên, câu hỏi mà họ đặt ra vẫn là sự hoài nghi về “sản phẩm con người”. Khi kết thúc chu kỳ đào tạo 7 năm, liệu các cầu thủ sẽ ở tầm trình độ nào, đủ sức đá V.League, đủ sức xuất ngoại hay cũng chỉ… giống các trung tâm kiểu cũ? Bầu Đức, trong hàng vạn công việc vĩ mô, vẫn quan tâm đến câu trả lời. Ông quả quyết rằng, HAGL sẽ giúp nước nhà đào tạo một thế hệ vận động viên ưu tú, đá với Tây không sợ, đá với Thái không run. Trước giờ làm Lễ, bầu trời Pleiku đột nhiên xám xịt. Cơn mưa núi rừng như thác đổ trút xuống không thương tiếc. 20 phút, 30 phút, 40 phút vẫn không có dấu hiệu ngừng lại. Kế hoạch tổ chức ngoài trời, phông bạt, bàn ghế không còn thứ gì có thể sử dụng. Quan khách ngơ ngác, người trong cuộc tiu nghỉu, còn các vị khách mời đến từ Anh quốc tỏ rõ sự âu lo. Thầy trò HLV Guilaume Graechen (người được biết đến với tên thân mật là thầy Giôm) đứng thu lu một góc. Những cậu bé tóc húi cua, chân không giày, xúng xính trong bộ áo Arsenal JMG chờ đợi biểu diễn như cách “báo công” sau hơn nửa năm rèn luyện mặt như bánh đa ngâm nước. Phải chăng, buổi Lễ ra mắt Học viện sẽ bị đình lại? Đúng thời điểm tất cả nghĩ đến một kịch bản tồi tệ thì bầu Đức xuất hiện. Ông cầm micro, xin phép mời… tất cả vào Hội trường phía trong để làm Lễ. Lúc đó, tất cả đều bất ngờ về địa điểm mà trước đó,  ai đi qua cũng biết đó là căn phòng rộng nhưng chả có gì bên trong, gần như bị “bỏ hoang” rất lâu chưa có dịp sử dụng. Kinh ngạc hơn, khi tất cả di chuyển qua phòng tập của cầu thủ, trước mắt họ đã là Hội trường khá chỉnh chu, Banner, bàn ghế, loa đài, hoa trang trí, bục sân khấu… không quá lộng lẫy nhưng đủ trang trọng và lịch sự cho một buổi Lễ. Tất nhiên, nó đã khiến đối tác Arsenal hài lòng trong bối cảnh bất khả kháng! Ngài Keith Edelman, Giám đốc điều hành CLB Arsenal lúc đó bày tỏ sự khâm phục với bầu Đức. Ông tiến lên bục tâm cấp, trịnh trọng nói: “Chúng ta đang đứng đây trước một ông chủ có cách giải quyết vấn đề rất nhanh và hiệu quả. Tôi không biết ông ấy (bầu Đức) làm cách nào để xoay chuyển tình hình, nhưng tôi tin sự có mặt của ông ấy sẽ giúp Học viện JMG thành công. Chỉ bằng một việc này, ông ấy đã nói cho chúng ta năng lực của HAGL ở cấp độ nào…” Cách ứng biến của bầu Đức giúp buổi Lễ trở nên đáng nhớ, khó quên và cho đến giờ, chắc hẳn không chỉ thế hệ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… mà đông đảo NHM Việt Nam phải cảm ơn vì cách đây 10 năm, bầu Đức đã dám đi con đường chưa ai đi, dám làm điều ít người dám thực hiện!

Công Phượng - Văn Toàn đã nói thay tính hiệu quả của Học viện HAGL JMG

++++++++++++ Câu chuyện JMG của ông bầu Đoàn Nguyên Đức ở “sân to” giờ sắp được tái hiện ở “sân nhỏ” bởi ông bầu Hoàng Xuân Hồng, khi Học viện Trà Dilmah chuẩn bị ra mắt. Nếu để so sánh, JMG của HAGL to cao, hoành tá tráng gấp vài chục lần Học viện mà bầu Hồng dự định khởi công. Nhưng tư duy đi trước, cách làm mở đường của hai ông bầu thì 10 phần giống đến 8, 9. 10 năm trước, bầu Đức bị hoài nghi về tính khả thi của dự án. 10 năm sau, lứa cầu thủ được yêu mến được tuyển sinh đa phần năm 2007 đã trực tiếp thay ông đưa ra câu trả lời về đam mê và cách làm bóng đá từ Tâm. Bầu Hồng không dựng lên Học viện Trà Dilmah theo hình mẫu JMG, không cung cấp cầu thủ ở cấp quốc gia hoặc đưa “sản phẩm” vào V.League hay giải Hạng Nhất. Bầu Hồng có thiên hướng phổ cập bóng đá sân nhỏ đến đông đảo cộng đồng nghiệp dư, một địa bàn nhiều người muốn chơi, nhưng thiếu kỹ năng căn bản vì cứng tuổi.

Bầu Hồng Trà 

Học viện Trà Dilmah có khá nhiều hình đào tạo và bầu Hồng cũng có tư duy đột phá giống bầu Đức. Nghĩa là: “làm tốt những gì người ta không làm hoặc ít làm, không chạy theo thành tích ngắn hạn hay cạnh tranh”. Các học viên của Trà có thể đến trung tâm không giới hạn tuổi tác, nhỏ có lớp nhỏ, chơi chuyên sân 7 có lớp chuyên sân 7 (để đá giải), lớn tuổi có lớp dành riêng kiểu “hướng dẫn chơi bóng đúng cách”. Nói nôm na, Học viện Trà Dilmah cung cấp nhân sự huấn luyện chuyên biệt cho các cơ quan đoàn thể có nhu cầu. Tuỳ từng cấp độ, Học viện Trà Dilmah sẽ có “sư phụ” phù hợp. “Nhất đẳng đai đen” hàng chuyên có cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam. Luyện “Cửu âm chân kinh” sân nhỏ có Coach Tệu, xỏ găng giữ thành có Spiderman Kiên “mán”, múa kiếm chia bài giữa sân có hảo hán Linh Beck, Ba Duy dạy kèm… Đặc biệt, với lợi thế về nhân sự gác đền, bầu Hồng muốn tạo mảng riêng, chuyên sâu cho những thủ môn sân nhỏ, sản phẩm tốt nghiệp có thể cung ứng vào thị trường Futsal, thị trường sân 7 hoặc sân nhỏ hơn, nhưng không phải sân 11 hàng chuyên. Và để đảm bảo cho sự đa dạng của Học viện, bầu Hồng cũng chủ động tạo ra sân chơi cho môn Tâng bóng nghệ thuật (Freestyle). Cái đó, hiện nay không chỉ Hà Nội, mà cả nước đang thiếu. Đa phần những nghệ sỹ bóng tròn ở mảng này đều phải tự học, tự mày mò và chưa bao giờ có cuộc thi quy mô cao cấp. Nếu so với các giải đấu sân 7 mọc lên như nấm sau mưa, Tâng bóng nghệ thuật là “con ghẻ” của thị trường phong trào không chỉ Hà Nội. Phương châm làm bóng đá căn cơ, thực chất, trúng đích và không cần phô trương, Học viện Trà Dilmah cũng có thể là mô hình mở đường cho các mô hình sau này, như cách HAGL Arsenal JMG của bầu Đức đã từng tìm lối cách đây tròn 10 năm! Bảo Thắng Ảnh: Webthethao.vn - motthegioi.vn - HAGL JMG Academy
Quảng cáo