Khoảnh khắc HPL S5: Lạ lùng Thắng "sâu"

Thứ năm, 26/10/2017 22:20 (GMT+7)

Bóng từ gần sát biên ngang được hậu vệ Top Group phá lên. Pha bóng ấy có lẽ mang tính giải toả nhiều hơn kiến tạo. Nhưng nó trở thành cơ hội khi Hiếu Xavi của Nguyễn Trãi chần chừ...

Bóng từ gần sát biên ngang được hậu vệ Top Group phá lên. Pha bóng ấy có lẽ mang tính giải toả nhiều hơn kiến tạo. Nhưng nó trở thành cơ hội khi Hiếu Xavi của Nguyễn Trãi chần chừ để bóng nảy qua đầu. Chỉ chờ có thế, Thắng "sâu" xoay người cài đối thủ, khống thêm một nhịp và dứt điểm qua khe giữa hai chân thủ môn Hải móm. Một tình huống không đơn giản, bóng xuôi, góc hẹp, đối phương giằng co kìm kẹp, nhưng lại được xử lý tinh tế đến hoàn hảo bởi cầu thủ hay đá... hậu vệ. Đúng là bất ngờ! Ngay sau khi đưa bóng vào lưới Nguyễn Trãi, Thắng "sâu" ăn mừng như cánh chim chờ lao lên bầu trời. Một hình ảnh rất trẻ của cầu thủ đã khá "nhừ". Thắng "sâu" không còn cái tên xa lạ với sân phủi Hà thành, nhưng lại chưa nằm trong danh sách Sao Băng ở mảnh đất anh tài lắm mà ma mãnh cũng nhiều. Ở tuổi ngoài băm, Thắng "sâu" hình như mới chín, hình như mới đằm thắm. Nói như nhận định của HLV Calisto khi triệu tập Huỳnh Hồng Sơn của Cảng Sài Gòn vào đội tuyển thì "những gã chín muộn thường toả hương lâu". Năm 2002, tiền đạo có gương mặt khắc khổ của Cảng Sài Gòn được điền tên dự Tiger Cup vào phút chót, khi anh vừa bước qua tuổi 33, thuộc hàng hiếm không chỉ của bóng đá Việt Nam. Trước Huỳnh Hồng Sơn, chỉ có Vũ Công Tuyền của Thể Công lần đầu lên Tuyển năm khi ngấp nghé 31 (Tiger Cup 2000). Cuộc đối đầu với Nguyễn Trãi, Thắng "sâu" góp thêm một bàn thắng nữa từ pha xông lên dũng mãnh như tuổi 20. Người ta lại thêm một lần bất ngờ bởi sức rướn và nỗ lực bứt tốc của một cầu thủ đã hơn 31, đợi thêm vài chục ngày nữa là bước sang 32, tính tuổi Mụ theo âm lịch thì 33. Tóm lại, Thắng "sâu" cũng không kém Huỳnh Hồng Sơn khi lên Tuyển. Chín muộn, nhưng đáng để người ta chờ đợi. Cái lạ của Thắng "sâu" là càng đá càng tỏ ra hiệu quả, dù trước đây khoảng 5-7 năm, nhiều anh già phủi cứng còn không tin Thắng "sâu" có thể thăng hoa. Tuy nhiên, cũng chẳng ai phủ nhận Thắng "sâu" có những tố chất mà nhiều cầu thủ, kể cả được liệt vào hàng sao số không có, đó là tinh thần và khát khao học hỏi. Hôm khai mạc Cúp DTS, quái kiệt anh Tệu nhìn Thắng "sâu" cùng đồng đội hạ Trà Dilmah cũng phải gật gù vì cách chơi hiệu quả không ngờ của "thằng em". Coach Tệu còn bảo, trước, Thắng "sâu" không có nhiều tố chất nhưng lì đòn và dám chơi. Bây giờ thì... chơi tốt quá! Ở sân phủi Hà thành, những cầu thủ ngoài băm hiện thi đấu ổn định, hay ghi bàn chỉ có Tú "tó" và ít nhiều là Khánh "Hồng" đồng đội cũng của Top Group cùng Thắng "sâu". ************* Thắng "sâu" hơn các đồng nghiệp tính từ băm trở lên là khoảng cách thể lực không kém các em trẻ. Thắng "sâu" có thể tranh cướp như điên, xoay xở băng cắt với tốc độ cao và khi cần, cũng biết cách ăn thua đủ với "mấy ông 9x". Ngán ngại không có trong từ điển. Nhiều người gọi Đạo "Từ Sơn" là chiến binh, nhưng nếu nhìn cách chơi bóng và chặng đường phấn đấu không ngừng của Thắng "sâu" thì thanh niên gốc Hà Tây xứng đáng là "anh chiến binh"! Ở vòng 2, Thắng "sâu" xé lưới Gia Việt bằng cú vuốt bóng tầm thấp chân trái. Tiếp đó, anh suýt ghi bàn từ pha bất cẩn của hàng thủ đối phương  trước khi lao lên dũng mãnh, đưa bóng xuống đáy biên trả ngược cho Phương Vertu trong tư thế đối mặt. Tiếc là cú "át xít" của Thắng "sâu" không được sát thủ của Top Group tận dụng, nếu không, đấy cũng là pha bóng đẹp của sân phủi. Trong khoảng giữa năm về cuối 2017 này, Thắng "sâu" đá giải nào cũng tốt, bất kể anh khoác áo DTS, Top Group hay Xi măng Sài Sơn (dự Quốc Oai League 2017). Thắng "sâu" không phải diện bóng sáng như Phương Vertu, cũng chẳng gân cơ lõi rùa như Duy "tếu", nhưng Thắng "sâu" có kiểu đá rất dai, động tác đẹp ít hiệu quả nhiều. Trong những tình huống đối mặt tranh chấp tay đôi, Thắng "sâu" thường chiếm thế thượng phong. Đòn độc của anh là những cú săn không ngừng khiến con mồi loay hoay trước khi thò đòn gánh vào tận háng đối phương để lấy bóng. Kiểu tranh chấp khó chịu ấy nếu không phải phủi già thì... không có. Thắng "sâu" nay đã ngoài băm nên dù kiếm không dài nhưng đoản đao vẫn đủ phóng chưởng. ************** Cái lạ của Thắng "sâu" còn nằm ở ngoại hình. Trong bối cảnh toàn cầu bị Facebook nuốt chửng, công nghệ thông tin còn quan trọng hơn cơm cháo, người ta thấy thanh niên trai tráng ra sức chăm chút bề ngoài, tóc không thẳng đường kéo cũng nhuộm vàng đỏ như Tây. Thắng "sâu" hình như đứng ngoài cuộc chơi dao kéo cắt tỉa. Anh vẫn trung thành với kiểu đầu như... thanh niên Bắc kỳ thời bao cấp. Nó khiến Thắng "sâu" chưa quá già, mặt chưa nhàu nhưng khá cũ. Thiên hạ đồn, nếu sống thời tem phiếu hoặc ngược về những năm 60-70 thế kỷ trước, Thắng "sâu" có vị trí dân chơi ngay lập tức. Chỉ cần anh đội thêm mũ cối, khoác thêm áo bay, bỏ giày đi đúc Tàu hoặc xỏ đôi tổ ong thần thánh, cưỡi xe đạp Thống Nhất hay vỉ vo Phượng Hoàng bất tử thì không gian Hà Nội cũng được "bảo tồn" đến nửa cây số vuông. Tuổi ngoài băm, khi các đồng nghiệp cùng thế hệ như Tuấn ếch, Giang say, Thắng Xavi, Khánh Hồng, Trung đỉn, phần nào là Tú tó đã phải thay đổi ít nhiều lối chơi cho phù hợp với sân phủi hiện nay thì Thắng "sâu" vẫn đủ sức chạy đua với 9x. Cái đó, chẳng phải điều lạ lùng hay sao? https://www.youtube.com/watch?v=iko5V5VSKnA Bảo Thắng  Nguồn Video+ảnh: Vietfootball
Quảng cáo