Nguyễn Hồng Sơn – ngôi sao bất phàm với vẻ mảnh mai của “Công chúa”

Thứ sáu, 26/05/2017 02:44 (GMT+7)

Trên đời này khó nhất là trở thành ngôi sao của nghề, rồi sau đó trở thành ngôi sao của công chúng. Thiên hạ có hàng tá người giỏi, hàng trăm người tài và hàng ngàn người siêu giàu. Nhưng...

Trên đời này khó nhất là trở thành ngôi sao của nghề, rồi sau đó trở thành ngôi sao của công chúng. Thiên hạ có hàng tá người giỏi, hàng trăm người tài và hàng ngàn người siêu giàu. Nhưng cố gắng lắm, họ cũng chỉ hoàn thành được một trong hai vế, hoặc ngôi sao của nghề, hoặc ngôi sao của công chúng. Cho nên, trường hợp của Nguyễn Hồng Sơn phải nói là độc nhất vô nhị. Cầu thủ giỏi, Ngôi sao được công chúng mến mộ, Hồng Sơn cùng lúc hoàn thành cả hai vai ở mức xuất sắc. Tôi không dám chắc 100%, nhưng ở Việt Nam, từ thế hệ 6x, 7x, 8x và 9x đời đầu biết bóng đá, am hiểu bóng đá hoặc chỉ cần lơ mơ về bóng đá cũng đều biết Hồng Sơn – Thể Công là một biểu tượng sân cỏ khó lẫn lộn. Như kiểu nhắc đến Sài Gòn là chợ Bến Thành, Hà Nội là Hồ Gươm, Thanh Hoá là cầu Hàm Rồng, còn Huế là chùa Thiên Mụ. Hồng Sơn là dân thể thao chính hiệu. Đương thời, bụng Sơn “6 múi”, mặt đen như Bao Công, da xám tựa Bao Chửng, chân tay mang đầy đủ đặc điểm gân guốc của nghề. Nhưng thật phi thường là anh lại chọn nickname là… “công chúa”. Trong các câu chuyện cổ tích nằm lòng của nhiều thế hệ, công chúa là hình ảnh tuyệt đẹp của cô gái xuân thì, tuổi xấp xỉ đôi mươi, da trắng, môi đỏ, tóc mây, thuỳ mị, nết na. Người con gái yếu ớt ấy đến đập ruồi còn khó nói chi đến luộc gà hay nấu cỗ. Ấy thế mà “công chúa” trở thành cái tên… đương nhiên của một cầu thủ mà cơ bắp khiến Lý Đức phải nể, đòn ngón trên sân cỏ dễ đến cao thủ Taekwondo  Trần Quang Hạ cũng phải ngả mũ! Nhiều người thắc mắc với nickname công chúa của Hồng Sơn cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải. Tôi may mắn hơn khi dòng đời xô đẩy được giáp mặt Hồng Sơn trong nhiều dịp, trong nhiều năm. Nếu so với cầu thủ hàng Sao đương đại của bóng đá Việt Nam, Hồng Sơn đúng là… công chúa thật. Sao bây giờ phải khoe chỗ to bằng áo “bo đì”, phô chỗ cần phô bằng quần “lét-zing”, hình xăm kín người, giọng nói sang sảng, dây chuyền quấn cổ nếu không to bằng cái xích cũng phải gắn hình đầu lâu, hổ báo. Như thế mới oai. Hồng Sơn thì nhỏ nhẹ, ăn mặc theo sự kiện. Ra sân bóng là giày thể thao, áo su vét. Dự Events nghiêm chỉnh mặc comple, nếu “diễn tuồng” một chút thì pha chút xanh đỏ, không quá sang chảnh nhưng đủ để người khác cảm nhận được cái gu. So với thế hệ bây giờ, Hồng Sơn rõ ràng trói gà không chặt (hình như anh cũng không bao giờ trói gà) và cũng không thể cầm đao, múa kiếm. Thiên hạ đồn, Hồng Sơn thời trẻ trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tựa tựa Gia Cát Lượng hay Chu Du trong tích Tam Quốc bên Tàu. Cái nickname “Công chúa” anh gắn vào tên tuổi cũng là… tính toán. Công chúa thì luôn được yêu mến, chỉ cần đoan trang một chút, dịu dàng một chút, nai tơ một chút, chả phải làm gì cũng có cả tá hoàng tử phò mã đến tìm. Nếu Hồng Sơn tự nhận mình là Hoàng tử, chẳng hoá ra cả đời anh phải đi tìm công chúa hay sao? Thế thì vất vả quá! Nên, mới có chuyện đệ nhất phu nhân của Hồng Sơn bây giờ, từ nhan sắc mỹ miều cho đến cái tên Hồng Hải cũng đều khiến thiên hạ phải ngả mũ: Đã Sông còn Biển! Hồng Sơn như thế suốt đời vẫn cứ là… công chúa, chỉ là phần xinh đẹp anh nhường cho vợ mà thôi! Cách đây khoảng hơn chục năm, trong một câu chuyện tôi nghe trộm được, thì khi Hồng Sơn báo tin lấy vợ, ở Hà Nội xuất hiện cả hàng dài gồm toàn thiếu nữ vắt từ cuối Hàng Bông kéo đến tận đầu Hàng Gai, xuyên qua Hàm Cá Mập đến sát mép Hồ Gươm dễ đến vài cây số. Cô nào cô nấy mắt đỏ hoe, hỏi không nói, gọi không thưa, cứ hễ nhắc đến cái tên Hồng Sơn là rũ rượi. Nghe đồn, bệnh viện Việt Đức hôm đó cũng phải cấp đến đến vài chục ca ngất xỉu phải truyền nước. Bệnh nhân toàn là nữ! Con đường vụt lớn thành Sao không đơn giản và mỗi người đều lựa chọn cho mình một con đường. Hồng Sơn lại khác. Anh chỉ chọn bóng đá, những thứ còn lại đều bị “ép”. Ví dụ, Quả bóng vàng Việt Nam 1998 và 2000 anh bị bắt phải nhận vì… chả ai hay hơn. Chiến thắng trước David Beckham, Roberto Carlos, Rui Costa hay Juan Veron ở cuộc thi Pepsi năm 2001 cũng là do các danh thủ thế giới “ủn” anh vào vị trí thứ nhì. Cho đến giờ, hình ảnh biểu tượng bóng đá cũng là do bị dồn vào chân tường mà phải nhận. Nói là bị ép là vì Hồng Sơn chưa bao giờ tỏ ra tham lam. Cái gì anh cũng có thể nhường, cái gì cũng chẳng cần nhận bất kể đường quan lộ có sáng đến đâu. Người ta bảo, nếu Ngọc Trinh đứng cạnh thì có khi cũng… phải ép Hồng Sơn mới chịu chụp ảnh cùng! Hồi còn ở Thể Công, Hồng Sơn thăng trầm nhất trong số những đèo dốc của lính quân đội gắn mác tượng đài. Hồng Sơn được cử làm đội trẻ, đội U, đội hạng Nhì, hạng Nhất, rồi làm kế hoạch, phòng thi đấu… tất cả những nơi người ta thấy “phù hợp”. Tính cách của Hồng Sơn bao năm nay vẫn vậy, có thể hiểu nôm na là nhút nhát, nhưng cũng có thể hiểu là chẳng màng thế sự. Cái gì anh cũng bắt người khác phải van nài mới chịu gật đầu. Nếu không phải van nài thì phải ra lệnh Hồng Sơn mới run. Trong một bài tường thuật trận Sông Lam Nghệ An gặp Thể Công thời bao cấp cuối những năm 90 có đoạn: “Cả hàng thủ Sông Lam nghiến răng đợi Hồng Sơn có bóng, 2/3 hàng vệ - tiền đạo cũng chực chờ xơi “số 8” cho biết mặt. Hồng Sơn lúc đó như cá nằm trên thớt, nhướn ánh mắt sợ sệt nhìn các hảo thủ. Bước vào trận đấu, Hồng Sơn vẫn tiếp tục sợ sệt. Anh sợ sệt… sỏ mũi nửa đội Sông Lam, bày mưu giúp vài ông “mình đồng da sắt” tự thanh lý môn hộ nằm một đống, khiến nhân viên y tế phải chạy hết tốc lực vào cứu mới dậy nổi…” Tôi cam đoan, nếu ai đó mang tiền đến biếu thì Hồng Sơn cũng xua đuổi như đuổi tà, tránh ma, phải nói gãy lưỡi, hoặc phải thề thốt lần sau không được “hành hạ nhau kiểu như thế” thì Hồng Sơn mới dám nhận. Nhưng chắc chắn, Sơn đếm chả thiếu đồng nào. Lần đầu tiên gặp Hồng Sơn tôi không dám lại gần. Tôi sợ ám ảnh ngôi sao, sợ người ta cao quá không anh em được chăng? Nhưng nhiều năm sau, tôi thừa nhận là mình nhầm. Hồng Sơn là Sao, thậm chí, là Sao bự trong số những Ngôi sao mà tôi biết. Nhưng Hồng Sơn cũng là người thân thiện nhất trong số những người thân thiện mà tôi từng tiếp xúc. Một ngôi sao ngày thường không bao giờ toả sáng! Cái hay của Hồng Sơn là anh không giả nai, không ham rượu chè, không màng tiền bạc, ít nói đến gái gú, mặc dù ai cũng biết, nếu muốn trở thành ngôi sao trong cả ba điều ấy, cũng… khó ai hay hơn Hồng Sơn. Đời thường, Hồng Sơn cực kỳ dễ tính. Bảo anh nhậu là nhậu, bảo anh nhảy là nhảy, bảo anh tắm là tắm, bảo anh chạy bộ vào Sài Gòn anh cũng chạy. Hồng Sơn gần như không bao giờ làm mất lòng ai nhưng cũng chẳng ai biết anh sẽ làm gì ai. Hồng Sơn cũng là người hài hước, vui nhộn nhưng ở mức tinh tế. Anh đùa nghịch cuộc sống và thích tận hưởng niềm vui với những cú mắt lác, xỏ háng, động tác giả và cả… đá láo y hệt như trên sân cỏ. Cái hay nữa là Hồng Sơn chơi môn gì cũng giỏi. Ngoài bóng đá, Hồng Sơn “oánh” Golf nhiều người nể, vụt Tennis cũng khó ai hơn. Rồi Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn, kể cả Bi-a, cứ cái gì liên quan đến hình tròn là Hồng Sơn chơi giỏi. Có chăng, Hồng Sơn chỉ mất tự tin về thể hình nên không nhảy vào những môn thể thao dựa nhiều thể lực như Cờ Vua, Cờ Tướng nên nhiều người cho rằng anh… không biết chơi. Thế thôi! Hồng Sơn trên sân cỏ của những năm trước là chàng trai mang lại cảm xúc, giàu nhiệt huyết và đầy phong cách lính. Gặp anh trên sân, đối thủ chỉ dám nhìn nghiêng còn đồng đội thì nhìn xuống. Nhiều người bảo, Hồng Sơn là Công chúa của đời thường, nhưng là Chúa công trên sân cỏ. Ở tuổi U50, Hồng Sơn bây giờ đi chậm hơn, từ bi hơn và “đắc đạo” hơn. Cơ thể anh đã phảng phất mùi Đường Tăng sau rất nhiều năm lẫn lộn hương thơm. Hồng Sơn bắt đầu thích nghe chim hót, thích ôm thỏ bông, gấu bông đi ngủ cùng cô con gái út. Hồng Sơn bây giờ không phải Hồng Sơn của Quả Bóng Vàng nữa, đỉnh cao đã thuộc về quá khứ. Nhưng chắc chắn, Hồng Sơn vẫn đủ sức toả hào quang cho đến khi bóng đá Việt Nam tìm được người thứ hai thay anh! Bảo Thắng
Quảng cáo