Rồi một ngày, chúng ta phải cảm ơn League D...

Thứ ba, 05/03/2019 18:20 (GMT+7)

... vì giải đấu này đang đặt nền móng cho sự thay đổi quan trọng với những người đã, đang hít thở không khí bóng đá phong trào. Ngày U23 Việt Nam đánh bại Qatar để tiến vào chung kết...

... vì giải đấu này đang đặt nền móng cho sự thay đổi quan trọng với những người đã, đang hít thở không khí bóng đá phong trào. Ngày U23 Việt Nam đánh bại Qatar để tiến vào chung kết với Uzbekistan, không khí lễ hội xuất hiện chức khắp dải đất hình chữ S. Không ai không hồ hởi, không ai không hò hét. Lúc ấy, bóng đá "nuốt chửng" các câu chuyện từ nhà ra phố. U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích chưa từng có, và tháng ngày "Thường Châu tuyết trắng" đẹp như mơ ấy đã khởi đầu cho một năm đại thành công của bóng đá Việt Nam. Trang BBC sport bản quốc tế ngày 24/1 giật tít: "Việt Nam - bóng đá kết nối dân tộc", khi phóng viên của họ chứng kiến sự cuồng nhiệt của người hâm mộ. Điều họ kinh ngạc nhất chính là biển người áo đỏ không ai quen ai, không ai biết ai nhưng tất cả cùng hoà mình "như anh em chiến hữu thân thiết" vào lễ hội mà chẳng ai muốn kết thúc. Đất nước sống trong những ngày vui bất tận với bóng đá. Dẫu mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng sự kiện U23 Việt Nam cũng là một cách diễn tả sự kỳ diệu của môn thể thao Vua. Bóng đá phong trào hiện nay không còn là trò chơi giải trí mà nó trở thành NHU CẦU của số đông. Bóng đá sân 7 đã làm được điều mà tất cả trông ngóng: Mang đến niềm tin và sự trung thực được kiểm chứng cho người tham gia. League D, và trước đó là League C hình thành trong sự sẻ chia tận cùng của những người kiến tạo nên Bóng đá sân 7. Họ hiểu người chơi cần gì, muốn gì và đang khao khát gì? Một sân chơi mà tất cả có thể chung chiến hào, đồng lòng nhất trí vì cái chung không đơn giản để thực hiện, nhất là khi nó vẫn gắn mác phủi. Dân văn phòng (theo cách gọi của League D) đang thiếu sân chơi trầm trọng. Họ có nhu cầu nhưng lại không có chỗ để "giải toả". Trong đó, bất cập lớn nhất chính là "sự nghiệp bắt đối". Trường hợp "ăn thịt Lừa" hay bị bỏ bom diễn ra không liên tục, nhưng thường xuyên. Nó khiến những đội bóng có trình độ trung bình thực sự, chơi bóng vì đam mê thực sự trở nên hoang mang mỗi khi cần một trận bóng để giao lưu. Niềm tin càng trở nên thách thức và khó kiểm định khi đối tác nào cũng tự giật status quảng bá đội bóng của mình là... trung bình yếu, nhẹ chân và không dùng tay. Hơn 90% người đi Tìm đối thao tác như thế, nên thị trường nguyên chất đã khó tìm lại càng nan giản trong khâu xét duyệt. Có một câu chuyện thật xảy ra cách đây đúng 1 năm trên sân Hồng Hà: Đội văn phòng xịn của một tờ báo chiều có giờ đá nhưng bị đối tác hoãn đột ngột buổi sáng. Ông Sếp của đội bỏ bom lệnh cho cấp dưới phải bắt đối bằng được để chạy cho ra mồ hôi. Cấp dưới loay hoay cả buổi cuối cùng cũng tìm được người "cứu tàu". Cơm trưa, ông Sếp hỏi "đối thế nào?". Cấp dưới tâu: "Dạ, họ cũng dân văn phòng như mình, nhiều người đeo kính, chân trắng còn nổi cả gân xanh. Tóm lại là... mềm nhũn". Ông Sếp vỗ đùi đến đét một cái, cười bảo: "Thế thì hôm nay có dịp phổ biến bóng đá tấn công cho đội bạn rồi". Không khí bữa trưa vui vẻ hẳn. Chiều, giờ bóng lăn đã đến. Đội văn phòng xịn hơi chột dạ khi đối có mỗi một ông đeo kính nhưng... đứng ngoài. Trong sân quá nửa đầu đinh, tóc ba phân, chân nhẵn thín như đầu hoà thượng, tay nổi bắp rùa. Ông Sếp lưỡng lự, cấp dưới mặt cũng tái tái. Nhưng họ động viên nhau đến sân thì phải chơi chứ bỏ sao được. Thế là trận đấu diễn ra. Được 15 phút đội văn phòng xịn thay hai thủ môn, một người "dỗi" vì thua 6 quả trong vòng 10 phút, một người đóng thế bắt cú nửa nẩy bị "bút chì", ngón tay cái tím bầm bó thuốc đến hơn ba tuần chưa đỡ. Gần hết hiệp, đối "mềm nhũn" dẫn... 9 quả. Ông Sếp được bố trí đá tiền đạo chạy dựng tóc gáy cũng mới đá biên được 2 lần. Hết hiệp 1, ông Sếp đùng đùng bỏ về không nói với ai câu nào. Trận đấu giải tán sau 1 hiệp. Cấp dưới nhăn nhó sang nói với đối tác: "Thế mà ông bảo đội không biết đá mấy?". Đối cười cười bảo, "tự nhiên hôm nay mấy thằng em nghỉ việc đá được, chứ bình thường...yếu lắm anh". Sau cú bắt đối nhầm, đội văn phòng xịn nghỉ hơn tháng mới sinh hoạt lại. Nhưng họ rút được kinh nghiệm cực kỳ sâu sắc. Rằng, đối ruột mà nghỉ thì mình cũng nghỉ. Thế cho lành! Sự khó kiểm định của đối tác tạo ra những tình huống dở khóc dở cười trên cả sân cỏ lẫn sân bia. Bóng đá cho vui mà mua bực vào người, bóng đá kết nối mà tan trận, người thắng kẻ thua không ai muốn gặp lại nhau. Như thế, còn gì là bóng đá? League D được tổ chức chính là cứu cánh cho dân bóng đá phong trào xịn. Sân chơi này mặc nhiên trở thành bộ lọc để các đội tham gia tìm được những đối tác tương xứng với mình. Thể thức Thuỵ Sĩ tối ưu hoá thêm hệ thống thi đấu khi đội mạnh và đội yếu cùng lắm chỉ gặp nhau 1 lần, không có lần thứ hai. Vì đội mạnh tất thắng, đội yếu tất thua. Chặng đường kế tiếp, Thắng chỉ gặp Thắng, Thua chỉ gặp Thua nên sự phân cấp diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Đội nào cũng được chơi đúng với năng lực, cầu thủ nào cũng được diễn đúng vai diễn của mình. Cho nên, League D sẽ nối tiếp League C tạo ra sự thay đổi lớn mang tính lịch sử với bóng đá phong trào Hà Nội nói riêng. Vì thay đổi này quá lớn nên có thể, những người tham gia  chưa cảm nhận được sự tác động sâu rộng của nó. Nhưng theo thời gian, thông điệp về sự trung thực sẽ được chính những đội tham dự League D phát đi. Khi đó, niềm tin của một sân chơi chung sẽ nói lên chân giá trị của cuộc cách mạng vì cộng đồng mà Bóng đá sân 7 đang nỗ lực thực hiện. Sau giải đấu, chỉ riêng việc các đội gặp gỡ nhau giao lưu cũng đã khiến sân chơi trở nên lành mạnh, chất lượng thực và uy tín được đảm bảo. Cụm từ "trung bình yếu" nhiều khả năng sẽ không còn hiện diện, mà thay vào đó, các đội sẽ dùng câu thoại chân tình hơn: "Cảm ơn các bạn, chúng ta sẽ gặp lại!" Bảo Thắng
Quảng cáo