Thế hệ 94-97 và những trò chơi huyền thoại in dấu bao cấp

Chủ nhật, 03/09/2017 21:06 (GMT+7)

Nếu không phải 100% thì cũng phải đến 99,9% các nam nhi thế hệ 9497 biết gảy chun, bắn bi, đánh khăng, búng xu, lia ống bơ…, còn các bạn nữ thành thạo chơi chuyền, ô ăn quan, nhảy dây...

Nếu không phải 100% thì cũng phải đến 99,9% các nam nhi thế hệ 9497 biết gảy chun, bắn bi, đánh khăng, búng xu, lia ống bơ…, còn các bạn nữ thành thạo chơi chuyền, ô ăn quan, nhảy dây thừng đơn (đôi) hay căng dây chun hai đầu xong mà thiên hạ hay gọi là “song phi”. Mỗi lần lên level là dây cao lên một nấc tuỳ theo “luật lệ” những người chơi giao kèo.

Quay, trò chơi dân dã thời bao cấp

Trò chơi "Ô ăn quan"

Lia ống bơ, bowling thời khốn khó

Trên truyền hình bây giờ, thi thoảng người ta vẫn tổ chức lễ hội pháo đất và coi đó như một trong những trò chơi dân gian được bảo tồn. Nhưng với thế hệ 94-97 và trước đó, trò này… xưa hơn Diễm. Loại pháo rẻ nhất thiên hạ được lấy từ đất sét, nhỏ nước vào để nặn thành hình gì đó bất kỳ, nhưng có gờ cao và đế mỏng. Khi ném xuống phải ném úp mặt xuống, pháo ông nào vỡ to hơn là… phá đảo. Những ông cẩn thận còn lấy nhiều đất sét để dự bị, vì mỗi lần pháo nổ là “mất ít xác” và cần được bổ sung thêm.

Pháo đất, trò chơi chẳng có gì lạ với thế hệ 9497

Sau này, trò pháo đất mai một rồi mất hẳn vì xuất hiện nhiều trò hay hơn như chơi con in, bổ quay. Tôi nhớ vào khoảng năm 88-89, khi ấy thế hệ 9497 vào lớp 3, đầu lớp 4, chơi con in lên ngôi trong thời gian này. Con in thực ra là bản khắc gỗ hình các nhân vật (hình ngược), được bôi mực tàu lên rồi in trở lại vào giấy. Bản khắc gỗ đẹp thì con in đẹp và ngược lại. Trò chơi này được đầu trò bởi những ông con nhà có điều kiện, thường được lên phố Tô Tịch mua bản in khắc gỗ về in ra giấy viết rồi và đổi giấy trắng. Vì giấy trắng ngày đó hiếm, có thể tận dụng được nên nhiều ông "có của ăn của để" nếu kinh doanh con in khi cả năm làm bài kiểm tra không phải xé vở.

Con in được khắc thủ công bằng tay

Thời kỳ này, rất nhiều ông vở mới tinh nhưng liên tục đòi “ông bà già” mua vở mới vì trót xé để đổi con in. Đổi vài ba tờ mới được một con in bé tý, mực tàu loằng ngoằng nhiều khi chả rõ hình gì. Nhưng như thế đã khoái lắm rồi, cất giữ như báu vật đợt hết giờ mới “xăm”. Mà công nghệ “xăm” thì buồn cười vô cùng. Có khi chỉ cần ít nước dấp lên tay chân cho ướt rồi “dí” con in vào. Ông nào tiết kiệm hơn dùng ngay nước bọt phết vào chỗ cần “xăm”. Người ngợm sặc mùi khó tả từ lúc “xăm” đến lúc mất hình. Hồi ấy, cũng có ông thích “xăm” nổi bật, ngày nào cũng làm vài hình trên cơ thể, xăm xong trông chả khác diễn viên vừa đóng phim Tây Du Ký hồi hương. Những trò chơi khủng khiếp hơn của đa phần thế hệ 9497 còn là những buổi vớt giun từ sông Tô Lịch để nuôi cá, hay tranh thủ nhà nào xây dựng đổ xe cát giữa khu tập thể là… đào hầm.

Cá chọi - "Võ sĩ giác đấu" thừoi bao cấp, nguyên nhân để thế hệ 9497 vớt giun sông Tô Lịch

Thường thì các thợ cá đi dọc bờ mương hoặc cống có điểm đến là Tô Lịch. Những con giun đỏ hay loe ngoe dưới lớp bùn đen được vớt bằng tay, từ tay sẽ lọc bớt bùn cho đến khi giun chỉ còn một khối đỏ hỏn là đạt yêu cầu. Mỗi dịp hè, phong trào nuôi cá chọi dâng cao là y như rằng có thợ vớt giun chuyên nghiệp có mặt ở dọc các bờ Tô Lịch. Mà Tô Lịch có cái hay nữa là có cá Khổng tước và Bảy màu sống nhan nhản. Chỉ cần khéo léo một tý là hót được cả đống đem về. Nói đến chuyện đào hầm làm bẫy cũng là cả một câu chuyện dài. Hồi ấy xây nhà thường là cát đen trộn với vôi tôi thành vữa. Xi măng chỉ cho theo tiêu chuẩn hoặc khi trát mới có, nên các thanh niên ưu tú tận dụng bãi cát để biến thành trò tiêu khiển.

Bãi cát, thiên đường của những tay đào hầm chuyên nghiệp:))

Hầm sẽ được vài ba ông cùng đào, hoặc ít nhất cũng hai ông bạn chí cốt thì chơi mới vui. Hầm sâu bao nhiêu tuỳ vào sải tay thợ đào, cửa hầm sẽ được nguỵ trang bằng ni – lông, tờ báo hoặc bất cứ thứ gì có thể rải thêm một lớp cát mỏng phía trên. Khi hoàn tất, nhóm “lừa đảo” có hai cách để dụ nạn nhân. Một là họ sẽ ngồi chơi xung quanh bãi cát coi như không có chuyện gì xảy ra. Ông nào vào chơi cùng là dính. Hai là, một trong những “hung thủ đào hầm” sẽ đi dụ con mồi, làm mọi cách để nạn nhân tin lời ra bãi cát chơi và… dính. Cách thứ hai thường phổ biến hơnJ Các trò chơi thời bao cấp thường đơn giản, lột tả đầy đủ đặc điểm của chế độ và thời thế nhưng cũng không kém phần sáng tạo. Thế hệ 9497 trong khoảng chục năm đầu vẫn song hành với tem phiếu, nếm trải sóng gió của thị trường đóng cửa, làm bạn với mất điện, mất nước thường trực.

Tem phiếu thời bao cấp

Ngay đến chuyện đi mua thực phẩm, dầu hoả hay bất cứ thứ gì liên quan đến tem phiếu là y như rằng, mỗi người nhận phân công từ ông bà già sẽ mang theo hòn gạch để… xếp hàng. Vì khi xếp hàng lâu quá, họ sẽ tận dụng các công việc khác rồi quay lại “nhận gạch”. Chuyện mất điện mất nước thì thường trực. Cộng thêm gia đình nào tăng gia nuôi lợn thì con em họ cũng biết cách gánh nước còng lưng hoặc hai tay hai thùng như lực sỹ cử tạ.

Hình ảnh xếp hàng quen thuộc thời bao cấp. Thế hệ 9497 ít nhiều nếm trải với tư cách là "nhân vật chính"

Cho đến giờ, dấu ấn của chế độ vẫn in trong cơ thể của nhiều anh chị em 9497, khi người nào gánh nước nhiều thì vai chữ V, nhưng tay buông thường dài quá đầu gối. Có người trái gió trở giời là đau lưng hoặc có vấn đề về đĩa đệm. Khổ nỗi, thời bấy giờ biết đâu mà tránh, chỉ biết làm việc phụ giúp gia đình cho bớt nhọc nhằn… Nói thêm về cái sự chơi. Mỗi dịp Trung thu là cả nam lẫn nữ có sự chuẩn bị cả tháng trời. Nhà nào ăn bưởi cấm được vứt hạt đi đâu bao giờ. Hạt bưởi được giữ lại bóc vỏ, lấy lõi bên trong xâu vào dây thép đem phơi chờ đúng Rằm thì… đốt. Có người cẩn thận còn ngâm thêm dầu hoả rồi mới phơi để khi cháy được tưng bừng hơn.

Dây hạt bưởi được xâu để đốt ngày Trung thu

Các bạn nữ khéo tay thì tìm giấy bạc, gấp những thanh sóng cuộn treo trước cửa nhà trông khá đẹp mắt. Chưa kể, phái đẹp còn biết cách trang trí mâm ngũ quả bằng Chó bưởi, Thỏ bưởi, Gấu bưởi và các loại tạo hình ngộ nghĩnh khác. Mâm cỗ Trung thu hồi ấy đúng là mâm cỗ của ngày hội, ai cũng háo hức và coi đó như một trong những khoảnh khắc được mong chờ nhất trong năm.

Các bạn nữ ngày xưa rất giỏi làm Chó bưởi mỗi dịp Trung thu

Con trai thế hệ 9497 và trước đó cũng hay sáng tạo đồ chơi, trong đó, súng ống bơ được nhiều người làm. “Đạn” để bắn được súng thường là bỏ chai bia đập dẹt, hoặc vỏ chai bia đặt trên đường ray tàu điện để bánh tàu cán qua. Sau đó, “đạn” được xâu qua sợi dây dù hoặc dây chun, càng xoắn tít bao nhiêu càng kêu dài bấy nhiêu. Có bận, xóm tôi mỗi ông một khẩu thi nhau bắn liên thanh để so đọ độ… vang. Bắn từ tối đến gần phá cỗ vẫn không ông nào chịu ông nào, súng ông nào cũng là nhất, cãi nhau inh ỏi chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc.

Công đoạn làm Súng ống bơ thời bao cấp. Thương hiệu "Hộp sữa ông Thọ" sống cùng năm tháng

Thời thượng nhất hồi ấy là trò chơi đẩy vòng sắt. Trò này phải “nhà có điều kiện” mới chơi được. Vòng sắt được uống tròn từ thanh sắt phi 6, gò công phu tỷ mỉ. Sau đó, vòng được xâu vào thanh sắt có thể giữ vòng không đổ khi “chạy”. Những ông nào chơi được trò này hoặc có điều kiện chơi trò này thường “được quyền” vênh mặt với các đồng đạo cùng khu tập thể và xóm ngõ. Nhiều ông có cái vòng mà đẩy còn lên “le vờ” trước mặt… gái. Dắt cái vòng chạy bon bon oai chẳng khác gì bây giờ thanh niên dắt con SH, đi cưa gấu. Chí ít, nó cũng chẳng thua con A Còng thời sốt giá về “tầm ảnh hưởng” với bóng hồng! Bảo Thắng 
Quảng cáo