Tuyển Việt Nam bị loại, chỉ trích HLV Troussier liệu có công bằng?

Anh Tuấn - Thứ hai, 22/01/2024 14:40 (GMT+7)

HLV Troussier có lỗi khi tuyển Việt Nam bị loại sớm khỏi Asian Cup, nhưng ông không đáng phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho thất bại của đội tuyển.

Tuyển Việt Nam đã sớm dừng bước từ vòng bảng Asian Cup 2023. Đây có thể coi là thất bại của đội tuyển và cá nhân HLV Philippe Troussier, khi mục tiêu ban đầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đặt ra là phải qua được vòng bảng. Thất bại này càng đau hơn khi đây là lần đầu tiên tuyển Việt Nam dừng bước từ vòng bảng Asian Cup, khi những lần dự cúp châu Á trước, đội tuyển đều vào tới tứ kết. 

HLV Troussier là người chịu trách nhiệm cho thất bại này của đội tuyển, khi không thể đánh bại đội bóng cùng khu vực Indonesia, sau khi có đủ thời gian (9 tháng) để chuẩn bị cho chiến dịch Asian Cup. Nhưng lỗi có phải hoàn toàn thuộc về HLV Troussier

Thứ nhất, trận thua Indonesia chỉ là tai nạn. Đừng quên tuyển Việt Nam đã chơi hay thế nào ở trận gặp Nhật Bản. Việc chỉ để thua với cách biệt 2 bàn, ghi được bàn vào lưới đội mạnh nhất châu Á, cho thấy đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier đã tiến bộ và để lại nhiều hy vọng. Nhưng khi sự lạc quan lên đỉnh điểm, đội tuyển Việt Nam đã trở lại mặt đất theo cách nghiệt ngã.

Tuyển Việt Nam bị loại, chỉ trích HLV Troussier liệu có công bằng? - Ảnh 3
Indonesia có tới 7 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, đến cả Asnawi (trái) còn đá được ở Hàn Quốc. 

Ông Troussier và cộng sự đã thất bại trong việc nghiên cứu và chuẩn bị cho trận chiến với đối thủ, khi bất lực và bị động từ đầu hiệp một, trước lối đá tấn công và pressing tầm cao của Indonesia. Hậu vệ Bùi Hoàng Việt Anh đã thừa nhận bị bất ngờ, không nghĩ Indonesia dám chơi như thế. Khi tuyển Việt Nam còn loay hoay tìm cách đẩy bóng lên tấn công, hàng thủ của đội đã sụp đổ với sai lầm kéo áo sơ đẳng của Nguyễn Thanh Bình. 

Indonesia trong nhiệm kỳ cuối cùng của HLV Shin Tae-yong đã được nâng cấp toàn diện về lực lượng và lối chơi. Đây là điều mà Troussier cũng không có cách giải quyết. 4 năm trước, HLV Shin khi mới đến Indonesia dũng cảm đập đi xây lại đội tuyển với việc đưa hàng loạt cầu thủ trẻ trong nước lên thử nghiệm. Shin khi đó thua liên tục, để đổi lấy thành quả là tìm ra những quân bài quốc nội ưng ý nhất cho bộ khung đội tuyển.

Pratama Arhan, Asnawi Mangkualam, hay Marselino Ferdinan là 3 trong số cầu thủ nội tốt nhất để đá ở tuyển Indonesia. Bộ khung đội bóng xứ vạn đảo được thêm hoàn thiện bởi những quân bài nhập tịch chất lượng tại Asian Cup. HLV Shin cũng đã tìm hiểu rất kỹ tuyển Việt Nam thời Troussier và nhận thấy đây là lúc thích hợp nhất và có nhiều cơ hội thắng nhất kể từ khi không còn Park Hang-seo dẫn dắt.

Trận gặp Việt Nam vừa rồi là lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Indonesia thực sự dám chơi bóng, thay vì phá bóng hoặc triệt hạ như những lần trước. Trước một đội bóng được hoàn thiện bởi những cầu thủ đã khẳng định năng lực, được trui rèn qua nhiều sân chơi lớn, tuyển Việt Nam trong tay Troussier chỉ toàn cầu thủ trẻ, không có kinh nghiệm đá nước ngoài, cũng chẳng phải tên tuổi được biết đến nhiều ở V.League. Những cầu thủ (mà ông Troussier chọn để chơi thứ bóng đá kiểm soát chưa rõ ràng), đã bị bóp nghẹt bởi những ông Tây nghe tên chẳng Indo chút nào là Justin Hubner, Ivar Jenner hay Jordi Amat. 

Tuyển Việt Nam bị loại, chỉ trích HLV Troussier liệu có công bằng? - Ảnh 2
Ông Troussier dùng nhiều cầu thủ trẻ, nhưng đội hình Indonesia còn trẻ hơn, tiêu biểu là Marselino Ferdinan (trái) 19 tuổi. 

Trách Troussier 1 phần, nhưng không thể phủ nhận nguồn lực hạn chế trong tay chiến lược gia người Pháp: V.League. Giải VĐQG Việt Nam đang xuống cấp cả về chuyên môn lẫn sức hút những năm qua đã không thể mang đến cho đội tuyển những cầu thủ giỏi nhất. Từ năm 2019 đến 2023, số bàn thắng trung bình của V.League giảm đều đặn từ 2,89 bàn/trận xuống còn 2,37 bàn/trận. Con số đó nói lên khả năng tấn công của các CLB V.League giảm xuống, không sản sinh ra được thêm các tiền đạo giỏi.

Hãy nhìn CLB Hà Nội, suốt nhiều năm qua, V.League không có đội nào đủ đẳng cấp để đua vô địch từ năm này qua năm khác với đội bóng thủ đô. Hết Thanh Hóa đến SLNA, hết Bình Định đến Thể Công Viettel, không đội nào có đủ tiềm lực để đua bền vững. 

Công An Hà Nội cũng là một ví dụ cho thất bại của đội tuyển. Việc đưa về hàng loạt ngôi sao nhưng vì chạy theo thành tích, đội bóng này không có lối đá rõ ràng, buộc phải phụ thuộc vào ngoại binh, nên gần như không thể đóng góp cho đội tuyển cả về chiến thuật lẫn phát triển con người. 

 

Quảng cáo