Vụ pháo sáng sân Hàng Đẫy: Khi những kẻ nhân danh cổ động viên đè lên pháp luật

Thứ hai, 16/09/2019 21:49 (GMT+7)

Hiệu ứng Park Hang Seo và thành công của ĐT Việt Nam các cấp là lý do kéo khán giả trở lại sân cỏ. Tuy nhiên, vấn nạn pháo sáng có thể đẩy khán giả trở về với trạng thái...

Hiệu ứng Park Hang Seo và thành công của ĐT Việt Nam các cấp là lý do kéo khán giả trở lại sân cỏ. Tuy nhiên, vấn nạn pháo sáng có thể đẩy khán giả trở về với trạng thái chán nản và rời xa. Một khi những kẻ nhân danh cổ động viên bóng đá chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mọi việc chắc chắn vẫn sẽ tiếp diễn. Dẫu vậy, trước khi nói đến cá nhân, chúng ta phải bàn về trách nhiệm của tổ chức... Vai trò của VFF ở đâu? Đây không phải lần đầu tiên V.League nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung đối mặt với pháo sáng. Rất nhiều trận đấu tại V.League bị pháo sáng hoành hành. Sự việc tái đi tái lại nhưng chưa bao giờ cảm nhận được VFF - đơn vị điều hành cao nhất – có động thái “đi tới cùng” để góp sức vào thành công chung của giải đấu. Phần lớn, các quan VFF chỉ “thẳng thắn” ra văn bản phạt các đội bóng và thu tiền. Nhiều hơn, họ ra thêm các khuyến cáo kêu gọi tinh thần Fairplay, kêu gọi tinh thần vì sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam... trên giấy. Còn lại, không có động thái cụ thể nào thể hiện VFF quyết tâm chống nạn pháo sáng đến cùng. Tất nhiên, chỉ với các văn bản kiểu làm cho có, tuyên truyền yếu ớt như thế, VFF đừng mong hooligan thay đổi. Vì căn bản, họ không cảm thấy bị ràng buộc bởi bất cứ cái gì. Cứ thích là làm, cuối cùng người chịu phạt là CLB cơ mà?! Vì sao chúng ta cần phải đặt trách nhiệm của VFF lên đầu? Vì họ là nhà điều hành bóng đá Việt Nam cấp cao nhất. Vì chỉ có họ mới có quyền đưa các Quy chế, Điều lệ và sửa đổi điều lệ vào hệ thống các giải đấu quốc gia. Nhưng VFF đã không làm tốt vai trò của mình. Thậm chí, họ từng nhiều lần thoái thác và vô trách nhiệm đối với vấn đề pháo sáng.

Cứ mỗi sự cố, họ lại ra án phạt kịp thời. Nhưng văn bản pháp quy mà VFF công bố luôn sơ sài, hay dùng kiểu “chơi chữ” để người đọc có thể hiểu được càng nhiều nghĩa càng tốt. Án phạt từ VFF cũng không nói rõ ai chịu trách nhiệm chính và việc tiếp theo của người chịu trách nhiệm là gì? Tệ hơn nữa, án phạt dành cho pháo sáng của VFF lúc nặng lúc nhẹ, chẳng án nào giống án nào. Trận Hà Nội - Hải Phòng ở vòng 6 mùa này, pháo sáng cũng phủ khói dày đặc trên khán đài sân Hàng Đẫy, VFF phạt mỗi CLB 70 triệu đồng, số tiền kịch khung theo quy định. Nhưng sau đó chỉ hai vòng đấu, trận Viettel - SLNA cũng tại Hàng Đẫy lại có pháo sáng. Nhưng kỳ ở chỗ, VFF phạt mỗi đội chỉ 20 triệu đồng. Như vậy, trên cùng sân bóng, án phạt lại không giống nhau, vụ sau nhẹ hơn vụ trước?! Đến đây, người ta không thể không đặt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của VFF. Những gì diễn ra cho thấy sự vô tâm trong công tác quản lý. Người ta có cảm giác, việc của VFF chỉ là ra án phạt, không cần biết CĐV có đốt nữa hay không, khán giả cứ tự lựa chọn chuyện có đến sân hay không, tự lo an nguy cho mình chứ đây không phải việc của VFF. Tiền phạt VFF thu (sử dụng vào đâu không rõ), sự phát triển của bóng đá Việt Nam thì... mặc kệ? Công tác phòng chống của BTC sân Hàng Đẫy có vấn đề? BTC sân Hàng Đẫy trở thành điểm nóng khi các nhóm CĐV liên tục chọn đây là điểm “bắn pháo hoa” cho toàn dân xem. Chỉ tính riêng mùa này, sân bóng ngay giữa trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến ba lần đối mặt với pháo sáng nghiêm trọng. Đỉnh điểm là ngày 11/9 vừa rồi, nữ phóng viên Báo Nhi Đồng là chị Tô Huyền Anh bị một quả pháo sáng kiểu pháo lệnh lao thẳng vào người với tốc độ tên lửa. Hậu quả là nạn nhân sẽ phải phẫu thuật hai lần do bỏng lưu huỳnh ăn tận vào xương. Chúng ta có thể coi đó là thảm cảnh được không? Được! Vì những ai trực tiếp nhìn thấy vết thương của chị Huyền Anh cũng phải rùng mình. Nó không phải là chấn thương trên sân bóng do vô tình, mà là hậu quả của “trọng thương” mà kẻ giết người rắp tâm làm! BTC sân Hàng Đẫy đã chủ quan trong công tác an ninh khi tổ chức trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định. Tiền lệ đã có, nhưng các phương án đề phòng không được triển khai. Người ta thấy sự phản ứng yếu thế của lực lượng an ninh khi bị các cổ động viên mặc áo Nam Định quây. Giữa rừng nắm đấm và âm thanh cổ vũ hỗn loạn kiểu phá hoại áo vàng, chỉ có hai chiến sỹ làm nhiệm vụ?! Hậu quả là một người bị đám đông đánh hội đồng gãy tay, một người chấn thương vùng đầu đến nôn mửa. Tất cả những điều đó đã chỉ ra một sự thật, rằng BTC sân Hàng Đẫy đã không làm tốt nhiệm vụ của mình. Cần nghiêm trị cá nhân gây rối! Lâu nay, không ít các phần tử coi sân bóng là nơi thể hiện bản lĩnh, là nơi “chẳng ai có thể đưa ra án phạt đủ sức răn đe nhắm vào cá nhân” nên bọn chúng rất thích biến khán đài thành sân khấu riêng. Nạn pháo sáng không thể được dập tắt một sớm một chiều nếu như không có sự chung tay từ nhiều phía. Tuy nhiên, xét đi xét lại, phương án khả dĩ nhất để hạn chế tình trạng này là bóc tách cá nhân gây rối để xử lý. Những thành phần nhân danh cổ động viên bóng đá, đến sân vận động như một cách thể hiện bản thân bất chấp hậu quả cần phải được coi là tội phạm. Đơn cử như quả pháo sáng bay với tốc độ tên lửa vào người nữ phóng viên Tô Huyền Anh chính là hành động “tấn công, xâm phạm thân thể người khác”. Trong một vài tình huống tệ hơn, hành động này không khác gì hành vi giết người. Vì quả pháo sáng như hôm 11/9 vừa rồi đủ sức cướp đi sinh mạng một con người. Sự việc hai chiến sỹ cảnh sát bị đánh hội đồng sau đó, các nhà chức trách hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cho tội “chống người thi hành công vụ”. Đây là một trong bẩy tội hình sự nặng mà án phạt của nó đủ sức răn đe những thành phần quá khích. Sân bóng không phải nơi tố tụng pháp định. Nhưng trong bối cảnh sự hiểu biết và tính tự giác của đa số những kẻ “thích gây rối bằng pháo sáng” chưa thay đổi được nhận thức, chỉ có truy tố trước pháp luậ mới khiến chúng chùn tay! Box riêng: CLB Hà Nội đã không đảm bảo an ninh như cam kết? Sau khi xảy ra sự cố, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) cho rằng trách nhiệm thuộc về Hà Nội: “Tất cả đã có cuộc họp về vấn đề an ninh trước trận, nhưng những gì diễn ra vào chiều 11/9 không đúng như kế hoạch VPF đã gửi báo cáo cho VFF. Rõ ràng, ban tổ chức trận đấu không hoàn thành nhiệm vụ. Sau trận đấu với Hải Phòng hôm 21/4, CLB Hà Nội còn làm công văn rút kinh nghiệm. Bây giờ, mọi chuyện diễn ra như vậy thì bản thân CLB chỉ nói chứ không làm. Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: Ban điều hành giải đã xuống tận CLB Hà Nội làm việc riêng về công tác an ninh, nhưng họ vẫn không thực hiện. Các sân khác làm rất chặt chẽ, ban tổ chức trận đấu là nơi chịu trách nhiệm, địa phương nào cũng làm nghiêm túc, nhưng không có đơn vị nào vô trách nhiệm như CLB Hà Nội”. Bảo Thắng (bài đăng trên báo Tuổi trẻ & Đời sống số ra ngày thứ Hai 16/9/2019) Tin cập nhật Công an đã bắt kẻ gây thương tích cho nữ nạn nhân sân Hàng Đẫy

Công an quận Đống Đa tạm giữ Vũ Trung Trực, cổ động viên CLB bóng đá Nam Định, với cáo buộc gây rối trật tự công cộng, ngày 16/9.

Theo điều tra, ngày 11/9, Vũ Trung Trực (35 tuổi) mang hai quả pháo dù, 18 quả pháo sáng (mua qua mạng) để về Hà Nội cổ vũ trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB Nam Định.

Khi tập trung tại Nam Định, Trực đưa ba quả pháo sáng cho ba người và bán sáu quả cho một cổ động viên khác.

Trên đường đi, Trực đốt một số pháo sáng, giữ lại hai quả pháo dù và bốn pháo sáng giấu vào loa thùng mang vào sân Hàng Đẫy. Đến khoảng 20h10 (phút thứ 56 của trận đấu), từ khán đài B, Trực đốt pháo và điều hướng bay qua mặt sân sang phía khán đài A.

Quả pháo do Trực bắn đã rơi vào cổ động viên Huyền Anh khiến cô bị bỏng lưu huỳnh vào xương, sẽ phải phẫu thuật hai lần. Biết có người bị thương, Trực bỏ trốn.

Theo nhà chức trách sau khi Trực bắn pháo, nhiều cổ động viên Nam Định tiếp tục đốt pháo sáng trên khán đài B. Khi cảnh sát cơ động giải tán, một số người đã tấn công cảnh sát khiến hai chiến sĩ bị thương.

Trong số này, Trần Đắc Chương (18 tuổi, quê Nam Định) dùng tay đánh, giơ chân đạp ba phát vào một cảnh sát cơ động ở khu vực lối ra vào cửa số 13 khán đài B.

Chương hiện bị tạm giữ với cáo buộc chống người thi hành công vụ.

VNexpress.net
Quảng cáo