"Xem phủi Hà Nội phải đến đây này..."

Chủ nhật, 06/05/2018 02:54 (GMT+7)

Sân Thành Đồng chiều thứ Bẩy 5/5 đông khác thường. Xe máy, ô tô đỗ chật vỉa hè tính từ đầu đường Nguyễn Chánh cho đến ven các toà chung cư nửa cũ nửa mới. Người ta đến để xem...

Sân Thành Đồng chiều thứ Bẩy 5/5 đông khác thường. Xe máy, ô tô đỗ chật vỉa hè tính từ đầu đường Nguyễn Chánh cho đến ven các toà chung cư nửa cũ nửa mới. Người ta đến để xem giải đấu duy nhất trong năm dành cho các cầu thủ cựu trào được chuyển từ sân Thành Lâm và Minh Đức về. Và nữa, sự háo hức của tất cả sau 1 tuần tạm nghỉ phục vụ Tết Độc lập càng khiến mặt sân Thành Đồng trở nên căng đét. Đây không phải là lần đầu tiên sân bóng này quá tải, mà các giải đấu của lão tướng trước đó cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhưng hôm qua là sự kiện đặc biệt, sự kiện phát sinh khi sân Thành Lâm và Minh Đức "số nhọ" phải nhường mặt cỏ cho việc khác. Nếu tính toán điều kiện sân bãi, rõ ràng Thành Đồng không thể so với Thành Lâm hay Minh Đức. Vì quỹ đất mà sân bóng này sở hữu không dư giả như hai đồng nghiệp vừa bị khoá cửa. Điều này khiến nhiều người vốn đã quen với không gian của các vòng đấu trước cảm thấy gò bó. Lối đi san sát, khán giả sát lưới, cầu thủ sát khán giả. Trọng tài trên sân vừa chạy vừa ngó nghiêng chỉ sợ giẫm vào chân "thương đế" ngồi ngoài. Sợ dĩ các ông Vua áo đen có tư tưởng đề phòng các tifosi vì riêng giải đấu dành cho các "nhi đồng cụ" thì chuyện họ bị cả người trong sân lẫn người ngoài sân... doạ giết là chuyện bình thường! Ấy thế nhưng chỉ sau khoảng vài chục phút làm quen trở lại với không gian bó hẹp, từ người chơi đến người dự khán bắt đầu cảm nhận rõ hơn "mùi phủi" bốc lên tứ phía. Chả có giải đấu nào khán giả ken kín đường biên, người ngồi góc này, người lang thang dọc các biển quảng cáo. Có cả người mượn ghế từ căng tin, lấm lét chờ bóng vượt qua rồi "tranh thủ" cắt ngang sân sang phần đối diện ngồi coi cho rõ. Giám sát có nhắc thì ngoảnh mặt cười tủm: "Sang chỗ thằng bạn ngồi tý, làm gì mà căng". Xong, cứ thế đi. Giám sát chán quá cũng...kệ. Giải lão tướng chuyển về Thành Đồng thì phủi hơn cả phủi. Nhưng trong không gian nhộm nhạo ấy, người ta vẫn yêu quý cái nét văn hoá khó tìm ở sân chơi này: Trên dưới vẫn nhìn nhau mà ứng xử! Coach Thiết, người khá nổi tiếng trong giới phủi trẻ khi cầm Cường Quốc tuy chưa đến tuổi lên được Cây Đa, Cây Đề nhưng giải lão tướng thì chẳng ai không biết. Ông đến sân từ khá sớm, xem từ đầu đến cuối loạt 1 của Dilmah Cup (14h00) trong khi đội nhà Yên Phụ đá... lượt cuối (16h45). Coach Thiết bảo, xem giải này thú hơn các giải khác dù bóng lăn chậm hơn, tốc độ châm hơn và mặt người cũng nhàu hơn. "Bóng phủi là phải đến đây xem này", rít hơi thuốc, cười khà khà như thường lệ, Coach Thiết cất giọng khàn đặc của "người phủi" nhận định. Theo ông, giải Lão tướng vẫn lưu giữ được những đòn ngón của phủi cũ. Mà cái đấy, mới là hồn của các sân bóng Hà thành ngày xưa. Coach Thiết nói có lý lắm, vì sân phủi lão tướng thi thoảng ồ lên những pha bóng không phải đẹp vì cú sút uy lực, mà đẹp vì độ dị, độ quái đản và cả những thứ "phủi bây giờ không có". Tỷ dụ như chiều qua, cú băng lên như gió của Phúc "quỷ" Nam Định bất chợt gặp rào cản nào đó bên phía LT Ngân hàng. Ở ngoài chỉ nghe tiếng huỵch nhẹ một cái, Phúc "quỷ" đã cần đến bác sỹ chạy vội vào sân để băng mí mắt và cầm máu. Bóng phủi Hà thành đại loại kiểu cũ nó như thế. Va chạm có khi chẳng ai biết nhưng hậu quả lại nhãn tiền. Mà cũng chỉ có trên sân phủi lão tướng, người ta mới thấy Việt "lì", một cao thủ cách đây hơn 20 năm có lẻ, 4 năm dừng chơi bóng do tai biến xỏ găng giữ thành cho Yên Phụ. Cái đó giờ tìm đỏ mắt ở các sân phủi trẻ chắc chắn không có. Vì một cầu thủ có hay đến mấy cũng không thể bắt gôn. Nhưng ở Yên Phụ thì Việt "lì" sẵn sàng bắt và từ lãnh đội đến đồng đội đều tin anh làm được theo cách rất phủi chỉ với lý do: Ngày xưa Việt "lì" bắt phạt đền độ tiền thắng suốt! Trận đấu với Công an Hà Nội, Việt "lì" mặc nguyên cây đen, xỏ giày trông hơi lạch bạch một chút, anh đội thêm cái mũ lưỡi chai tựa Jens Lehmann lúc sắp giải nghệ, di chuyển hô hào chiến hữu "như đúng rồi" trong khung gỗ. Cái đó, nếu không phải giải Lão tướng thì tìm đâu cho được!

Cao thủ Việt "lì" bắt gôn trong trận Yên Phụ gặp CAHN. ảnh FB Song Hà

Cũng trong trận đấu ấy, Ngọc Anh Tệu, một cao thủ khác của làng phủi Hà thành có pha xử lý hiếm thấy: Đón bóng bổng từ cánh phải, khống một nhịp chân trái trước khi đẩy quả lòng chân phải vào góc gôn khi Việt "lì" băng ra. Cú đá nhẹ mà hiếm của Anh Tệu khiến hai đồng nghiệp chôn chân tại chỗ vì họ tưởng... anh sẽ sút mạnh.

Anh Tệu (7) vẫn xứng danh dị nhân phủi Hà thành. Ảnh FB Song Hà

"Dị nhân", bên ngoài đường biên rất nhiều tiếng xuýt xoa như thế khi nhìn bàn thắng của Anh Tệu. Cái chất phủi cũ bây giờ không còn nhiều trên các sân bóng Thủ đô. Người ta chỉ có thể hoài niệm về nó thông qua giải đấu nhi đồng cụ như thế này mà thôi. Và sân Thành Đồng, dù không ngon như gái 18 thì vẫn có sức cuốn hút của một quý bà. Bởi đơn giản, nó mang lại cảm xúc sân phủi cho những người đã từng quen hít thở không khí khó quên của bóng đá thời bao cấp! Bảo Thắng
Quảng cáo