Cô bé 8 tuổi bị mẹ đánh tử vong vì làm toán sai và áp lực học hành khủng khiếp của trẻ em Trung Quốc

Thứ tư, 06/11/2019 21:19 (GMT+7)

Đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ khi cô bé Liên nhi bị mẹ đánh vào đầu tử vong vì làm toán sai, truyền thông Trung Quốc vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện này như một lời cảnh...

Đã hơn 4 năm trôi qua, kể từ khi cô bé Liên nhi bị mẹ đánh vào đầu tử vong vì làm toán sai, truyền thông Trung Quốc vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện này như một lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh. Rằng, họ không nên đánh vào đầu con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em ở đất nước tỷ dân đang mang trên mình trọng trách học hành khủng khiếp từ cha mẹ khiến cuộc sống của các em trở nên áp lực cùng cực… Nghỉ hè cũng học, nghỉ Tết cũng học Trung Quốc luôn cho rằng, họ đang nổ lực cải cách giáo dục để tốt hơn. Nhưng thực tế, câu chuyện học hành của trẻ em nước này luôn trở thành “sứ mệnh” khiến các mầm non ngày càng trở nên khó thở. Hân Hân, một cô bé 8 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, miền Bắc Trung Quốc “được” mẹ sắp xếp tham gia tới 11 khoá học hè từ khi em có lịch bế giảng năm học vừa rồi. Tính từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8, Hân Hân đã đến lớp học múa, học đàn piano, lớp tiếng Anh tăng cường, lớp học MC tương lai, lớp bơi lội, lớp kỹ năng vượt khó… Tất cả những khoá học này đều được mẹ cô bé kiểm soát gắt gao. “Mẹ muốn cháu phải toàn diện vì cháu là hy vọng duy nhất trong nhà, mẹ cháu nói thế. Cháu không có em hay anh chị…”, cô bé Hân Hân chia sẻ. Thời gian học hành quá nhiều của Hân Hân khiến em gần như không có khoảng trống để giải trí. Ngay cả thời gian ngủ của Hân Hân cũng bị cắt ngắn, trong khi mẹ cô bé liên tục kêu ca em “chưa cố gắng”. Ngày 16/8 vừa rồi, cô bé lên cơn sốt sau khi tham gia lớp học kỹ năng vượt khó phải vào viện truyền nước và ở lại đó 2 ngày. “Cuối cùng thì cháu cũng được nghỉ. Ở bệnh viện cháu được ngủ nhiều hơn”, cô bé nói. Các bác sỹ bệnh viện Sơn Đông ghi rõ trong phiếu khám của bé Hân Hân là quá sức vì không có thời gian nghỉ ngơi. Nguyên nhân được khẳng định là trong vòng 24 giờ đồng hồ, cô bé không được ngủ từ 8 giờ trở lên vì liên tục di chuyển và tham gia các khoá học mà mẹ đăng ký. Tuy nhiên, khi đối thoại với người mẹ, bà “xù lông nhím” và nói: "Những khóa học này giúp Hân Hân phát triển cả về đạo đức lẫn học tập, chúng khiến mùa hè của con gái tôi có ý nghĩa. Nó sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn", bà nói. Trái ngược với ý kiến của mẹ, Hân Hân nói rằng em quá mệt mỏi vì phải học quá nhiều. "Cháu phải học hai hay ba ca mỗi ngày", cô bé nói. "Cháu không có thời gian nghỉ ngơi. Cháu không thích nghỉ hè vì nghỉ hè còn mệt hơn đi học. Nhưng cháu không thể làm gì khác vì mẹ bắt cháu phải đến lớp". Hân Hân là một trong số hàng nghìn, hàng triệu trẻ em Trung Quốc phải tham gia các khóa học hè với nhiều nội dung khác nhau được đăng ký bởi bố mẹ, dù các em có muốn hay không. Tại Thâm Quyến, một trong 4 thành phố hàng đầu ở Trung Quốc ngoài Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, khảo sát của Xinhua trong kỳ nghỉ hè vừa rồi chỉ ra rằng, gần 90% học sinh tiểu học và trung học đăng ký ít nhất một vài khóa học hè. Dù đa số các khóa học là nghệ thuật và thể thao, nhưng cũng có nhiều khóa nhằm bổ sung cho chương trình giáo dục bắt buộc như ngữ văn, toán, tiếng Anh, vật lý, những môn các em chưa học tốt trong năm. Cứ ba em học sinh thì một em tham gia hơn ba khóa học hè trong thời gian nghỉ. Hơn 40% theo học các lớp như cô bé Hân Hân, tức là từ 10 khoá đào tạo các thể loại trở lên! Một số phụ huynh còn coi học hè là cách đi tắt đón đầu cho năm học mới và họ cho con “tiếp xúc trước” để lên lớp lớn dễ dàng hơn. Phần lớn các em đều không muốn đi học trong thời gian nghỉ hè, nhưng chúng không có quyền quyết định, nhất là những em đang học cấp tiểu học. Mọi hoạt động đều được bố mẹ chủ động đăng ký và giám sát. Các nhà quan sát cho hay thị trường gia sư ngoại khóa đang bùng nổ ở Trung Quốc phản ánh sự lo lắng của các bậc phụ huynh bị áp lực bởi hệ thống giáo dục, đồng thời cho thấy nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Vũ Sinh Luân, hiệu trưởng trường thực nghiệm Khoa học và Nghệ thuật Nam Sơn ở Thâm Quyến, cho hay tỷ lệ đỗ đại học thấp khiến nhu cầu học hè bùng nổ và nó được bắt đầu từ cấp thấp. "Chương trình giáo dục bắt buộc tại Trung Quốc không thể cung cấp cho học sinh trải nghiệm học tập đa dạng và phù hợp. Một số học sinh không theo kịp chương trình giảng dạy trong khi số khác lại thấy học ở trường không đủ, đó là lý do học ngoại khóa được bắt đầu ngay từ khi các em học sinh còn ở cấp tiểu học", ông nói. Năm 2017, bộ giáo dục quốc gia tỷ dân cho biết, 9,4 triệu học sinh tham gia thi đại học ở Trung Quốc và 7 triệu em đỗ cao đẳng hoặc đại học. Nhưng tỷ lệ sinh viễn đỗ vào các trường đại học trọng điểm của đất nước dao động từ 9,48% tới 30,5% ở các tỉnh, thấp nhất là tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây với mức dưới 10%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các gia đình kỳ vọng con mình sẽ trở thành “ai đó” trong xã hội và việc học trở thành tôn chỉ trong các hành động tiêu cực của các bậc cha mẹ. Cái chết của cô bé 8 tuổi Liên nhi là bé gái ở miền Bắc Trung Quốc đã qua đời vì vỡ mạch máu não. Đó là hậu quả của hành vi đánh vào đầu con mà mẹ em dùng để nhắc nhở về lỗi sai trong quá trình làm bài tập về nhà. Chuyện xảy ra vào một buổi chiều cuối tháng 6/2015, cô bé 8 tuổi sống ở Đồng Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc vừa xem phim hoạt hình vừa làm bài tập về nhà. Điều này đã ảnh hưởng đến sự tập trung của bé. Sau đó, mẹ cô bé kiểm tra bài và nhận thấy bài con làm có quá nhiều lỗi sai.  Người mẹ đã nổi giận và đánh vào sau đầu của đứa trẻ. Ngay lập tức, bé gái khóc thét lên trong đau đớn. Cảm thấy có lỗi, người mẹ đã lấy một gói chân gà muối cay cho con ăn để làm cho bé cảm thấy được đền bù. Sau khi được ăn chân gà, Liên nhi ngừng khóc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô bé bắt đầu nôn mửa dữ dội. Người mẹ cho rằng chân gà đã bị nhiễm độc, vội vã đưa con gái đến bệnh viện. Tình trạng của Liên nhi xấu đi trông thấy sau đó và bi kịch ập đến khi cô bé qua đời sau đêm hôm ấy. Các xét nghiệm pháp y sau đó được các bác sĩ khẳng định, chân gà không liên quan gì đến cái chết của bé gái. Thay vào đó, cô bé qua đời vì một cơn nhiễm trùng não, một dạng chấn thương sọ não đặc trưng do tình trạng chảy máu não do bị tác động mạnh vào đầu. Mẹ cô bé đã thừa nhận đánh vào sau gáy con gái và vô cùng hối hận về hành động của mình. Hình phạt tưởng như bình thường của mẹ lại khiến các mạch máu trong não con gái bị vỡ, cuối cùng dẫn đến cái chết thương tâm. Bé gái 8 tuổi đã qua đời hơn 4 năm, nhưng câu chuyện về sự ra đi của bé vẫn được truyền thông Trung Quốc nhắc đi nhắc lại cho tới bây giờ như một lời cảnh báo các bậc phụ huynh rằng không nên đánh con, nhất là đánh vào những bộ phận nguy hiểm như sau đầu, thái dương, tai, lưng của bé. Sau vụ việc, người mẹ của bé gái đã bị khởi tố cho hành vi vô ý làm chết người của mình. Cô phải chịu hình phạt nghiêm khắc từ pháp luật, nhưng kể cả khi mãn hạn, toà án lương tâm vẫn xử cô cho đến tận cuối đời! Như Ý (Bài đã đăng trên Báo Tuổi trẻ&Đời sống tháng 10/2019)
Quảng cáo