Trẻ cai nghiện internet bị nhốt trong phòng kín, đánh đập ở Trung Quốc

Thứ hai, 25/01/2021 16:49 (GMT+7)

Ngày 7/7, tòa án Giang Tây (Trung Quốc) tuyên bố vụ án 3 năm trước, nhưng nó lại khiến dư luận quan tâm đặc biệt: Nhóm người bị kết tội đánh đập, đối xử bạo lực trẻ em cai nghiện...

Ngày 7/7, tòa án Giang Tây (Trung Quốc) tuyên bố vụ án 3 năm trước, nhưng nó lại khiến dư luận quan tâm đặc biệt: Nhóm người bị kết tội đánh đập, đối xử bạo lực trẻ em cai nghiện internet trong một cơ sở cai nghiện tự phát. Thoạt nhìn, ai cũng cho rằng đây là bản án nghiêm khắc. Nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện dài… Từ án điểm… Sau rất nhiều trì hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung hơn 3 năm, đầu giờ chiều ngày thứ Tư 7/7, người đàn ông họ Wu lĩnh mức án nặng nhất với 3 năm tù giam, còn 3 người Ren, Zhang và Qu lần lượt ngồi tù 2 năm 7 tháng, 1 năm 10 tháng và 11 tháng tù giam. Bốn người này đều bị cáo buộc đánh đập, đối xử tệ hại với trẻ em trong cơ sở cai nghiện internet mà họ dựng lên. Theo CNN, các cơ sở cai nghiện kiểu này đã bắt đầu đông đúc kể từ năm 2015, khi Trung Quốc bùng nổ internet và mức độ phụ thuộc vào công nghệ của thế hệ trẻ. Wu đã cùng một nhóm đầu tư dựng lên cơ sở cai nghiện internet cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 20 tuổi trở xuống vì ông ta “nhìn thấy” nhu cầu của các gia đình ngày càng nhiều. Cơ sở của Wu ngay lập tức nhận những học sinh đầu tiên. Tất cả đều được đưa đến trong tình trạng cha mẹ bực tức gần như đỉnh điểm, còn những đứa trẻ bất hợp tác đến mức độ có đứa… bị trói đưa đi. Wu chỉ đạo các cộng sự nhận tất cả các trường hợp này, không trừ một ai. Ông ta nói với các bậc cha mẹ là sẽ làm “hết sức” để bọn trẻ có thể cai nghiện thành công. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày, nhóm của Wu bị tố cáo là nhốt, giam lỏng trẻ em liên tục và dung những biện pháp bạo lực mạnh không đúng với cam kết của trung tâm. Tin từ CNN cho biết, Wu đã cùng nhóm của mình đánh đập các em nhỏ đang độ tuổi thiếu niên, chỉ có 1 người trên 18 tuổi. Trung tâm của Wu đã làm mọi cách để các học viên phải nghe lời hơn là thực sự giúp họ hiểu ra việc nghiện internet có ảnh hưởng xấu đến mức nào. Sau thời gian 10 ngày bị giam ở học viện Giang Tây của Wu, một học sinh họ Xuân – 14 tuổi - kể lại rằng, em và các bạn sau giờ rèn luyện như trong quân ngũ bị đưa vào các căn phòng màu đen chật chội, nhỏ dần và rất ẩm thấp. Họ phải sống trong đó không có tiện nghi gì ngoài mỗi người một cái chăn và một cái chậu để đi vệ sinh. Trong phòng có lắp camera theo dõi và mỗi hành động của họ đều bị giám sát nhắc nhở mạnh mẽ qua loa phóng thanh. “Chẳng khác gì trại giam tù cháu từng xem được trên tivi”, Xuân kể lại. “Cháu rất sợ phải đến đó”. Ngay lập tức, các gia đình gửi con làm đơn tố cao cơ sở của Wu và nộp lên chính quyền Giang Tây. Họ đón con mình về trong tình trạng internet chưa cai được nhưng các thiếu niên bị them chứng rối loạn tâm thần do sợ hãi và một số em đã phải dùng thêm thuốc an thần. Vì vụ việc này, chính quyền địa phương cũng tuyên bố “sẽ điều tra các cáo buộc và xử phạt nghiêm đối với các đối tượng cố tình lạm dụng, bạo hành trẻ em dưới danh nghĩa chữa bệnh, trau dồi đạo đức”. Năm 2008, chính phủ Trung Quốc chính thức công nhận nghiện Internet là chứng rối loạn tâm thần vào và điều này đã tạo cơ hội để các cơ sở điều trị càng mọc lên như nấm. Nhưng núp dưới vỏ bọc giúp trẻ em xa rời khỏi smartphone, nhiều báo cáo ghi nhận việc những đứa trẻ đến các trại này bị ngược đãi, lạm dụng thể chất nghiêm trọng. Cơ sở hoạt động sai mục đích đăng ký, sai cả loại hình quản lý về giáo dục. Điển hình là cơ sở của Wu. Trong bản Quảng cáo dịch vụ, Wu nói cơ sở mình có đầy đủ tiện nghi sống, vui chơi, hoạt động kiểu “tập thể, nhóm” trên mô hình kỹ năng sống của quân đội để các học sinh cai nghiện có thể rời xa thế giới ảo. Nhưng thực tế, Wu và nhóm của mình sau vài ba buổi nói chuyện ban đầu, vài ba buổi rèn thể lực quân đội theo chương trình quảng cáo đã buộc các học sinh nghe lời bằng biện pháp tiêu cực. Cơ sở của Wu dù bị xử công khai và đẩy dư luận vào cuộc tranh luận chưa có hồi kết. Nhưng sự thật, đấy không phải trường hợp tệ nhất. Năm 2014, một cô gái 19 tuổi ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) qua đời sau khi bị các giáo viên tại một trung tâm cai nghiện Internet đánh đập. Điều tra sâu hơn, cơ sở này còn bị phát hiện sử dụng phương pháp cực đoan với học viên như sốc điện, giam phòng kín không cho ăn uống. Đến nay, 6 năm sau cái chết của cô gái 19 tuổi, dư luận Trung Quốc cũng không nghe thêm tin tức gì từ những người đã gây nên tội! Mức án của Wu và các đồng sự của ông này được cho là “án điểm” cho loại hình dịch vụ đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Nhưng câu chuyện đằng sau nó vẫn đang là vấn đề nóng cho đến ngày hôm nay! … đến mối lo ngại cho toàn bộ giới trẻ Với dân số đông, Trung Quốc đang có số lượng người truy cập Internet thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Theo ước tính, quốc gia này có hơn 850 triệu người sử dụng mạng, trong đó có khoảng 200 triệu người trong độ tuổi từ 15-25. Con số “trẻ hóa” phụ thuộc vào internet (tức là từ 15 tuổi trở xuống) ngày càng tang mạnh ở Trung Quốc. Chính phủ đất nước tỷ dân đang cố thực hiện một loạt các biện pháp mạnh tay trong những năm gần đây để giảm thiểu chứng nghiện Internet ở thế hệ trẻ. Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh công bố lệnh giới nghiêm, trong đó trẻ dưới 18 tuổi sẽ không được phát sóng trực tuyến trên mạng vào đêm muộn. Vào các ngày trong tuần, những đối tượng này được phép sử dụng mạng trong vòng 90 phút và tối đa 3 tiếng vào cuối tuần. Ngoài ra, trẻ vị thành niên bị cấm chơi game online trong khoảng thời gian từ 22h tối hôm trước đến 8h sáng hôm sau. Tuy nhiên, điều này không thể cấm được các thanh thiếu niên Trung Quốc vượt tường lửa để thỏa mãn nhu cầu internet của mình. Thực tế là ở Trung Quốc hiện nay, người ta nhìn đâu cũng thấy dân tình ngày càng nghiện lướt mạng. Họ cắm đầu vào điện thoại di động hầu hết thời gian trong ngày, từ người lớn cho đến trẻ em. Hầu như ai cũng có việc riêng với điện thoại thông minh. Vì lý do này, những trại cai nghiện smartphone xuất hiện ngày một nhiều khắp Trung Quốc trong hơn 10 năm qua. Thế nhưng, vấn đề tồn tại là không nhiều cơ sở có lực lượng cải tạo được trang bị kiến thức về cai nghiện. Thậm chí, một số làm trái tay hoàn toàn chứ không phải họ từng là giáo viên hay đến từ cơ sở dạy học nào. Điều đó khiến các tiêu chí cai nghiện vị vô hiệu hóa và “những người kinh doanh” bắt đầu chú trọng hơn đến biện pháp cưỡng chế. Họ cần làm việc nhanh để kết thúc hợp đồng với khách hang nên những hệ lụy phát sinh từ đó. Dẫu vậy, cũng từ một điều tra của báo giới Trung Quốc, thì chuyện một cơ sở cai nghiện internet cho thanh thiếu niên đôi khi cũng không thể làm gì khác ngoài việc sử dụng bạo lực. gần như 100% các cơ sở cai nghiện internet được cấp phép lẫn không được cấp phép đều khẳng định, các học viên tuổi teen cực kỳ cứng đầu và khó bảo. Một số học sinh con nhà khá giả thậm chí còn bất chấp và không bao giờ hợp tác. Vì thế, biện pháp giáo dục tự giác, trò chuyện thông thường hay tổ chức sinh hoạt thể dục thể thao theo nhóm sẽ… chẳng giải quyết được gì. Đây chính là điểm mấu chốt đem đến sự lệch pha giữa lý thuyết và thực tế. “Trên bản đăng ký kinh doanh, nếu chúng tôi không ghi cho đẹp lý lịch thì không được cấp phép hoạt động. Nhưng nếu hoạt động đúng như những gì cấp phép thì gần như không mang lại hiệu quả như gia đình mong muốn”, chủ một cơ sở cai nghiện internet giấu tên, nói. Thực tế là khá nhiều cơ sở đã thay đổi được thói quen nghiện internet cho nhiều học viên của mình, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường tích cực hơn. Các gia đình gửi con cũng thừa nhận điều đó. Vấn đề gây tranh cãi là chưa cơ sở nào của Trung Quốc cũng như chính quyền sở tại có được biểu mẫu chuẩn mực cho loại hình này. Trong khi đó, giới trẻ nói chung vẫn hang ngày cắm đầu vào smartphone. (Bảo Thắng- Bài đã đăng trên Báo Tuổi trẻ&Đời sống tháng 8/2020)
Quảng cáo