Hiểm hoạ khôn lường từ phần mềm video thay đổi khuôn mặt được bán ầm ầm trên mạng với giá rẻ

Thứ năm, 08/08/2019 23:37 (GMT+7)

Công nghệ đang tạo nên một thế giới thân thiện và xích lại gần nhau. Nhưng công nghệ cũng đang để lại những kẽ hở chết người từ sự hiện đại, một khi người sử dụng nó mang mục đích...

Công nghệ đang tạo nên một thế giới thân thiện và xích lại gần nhau. Nhưng công nghệ cũng đang để lại những kẽ hở chết người từ sự hiện đại, một khi người sử dụng nó mang mục đích xấu. Nền tảng ghép khuôn mặt vào video, thay đổi người trong video đang dấy lên những lo ngại sẽ tạo ra sự “đảo điên” trên toàn thế giới, điển hình là Trung Quốc. Mặt người nổi tiếng được bán rẻ… như rau Theo thông tin từ một cuộc thảo luận có tên “Face swap + female celebrity’s surname” trên Baidu Tieba - diễn đàn Internet nổi tiếng Trung Quốc - loại phim khiêu dâm tráo đổi gương mặt được bán với giá 4 nhân dân tệ (khoảng 13.000 đồng) cho mỗi video. Mua trọn gói 700 video có giá 158 nhân dân tệ (hơn 500.000 đồng). Loạt video khiêu dâm ghép khuôn mặt được tùy chỉnh theo yêu cầu cũng được rao bán trên chợ thương mại điện tử cũ Xianyu với giá khởi điểm từ 20 nhân dân tệ (gần 70.000 đồng) mỗi phút.

Mặt người được mua bán rẻ như rau trên chợ video Deepfake

Trên các diễn đàn này, người tham gia có thể bán gương mặt người nổi tiếng hoặc của chính mình. Một người bán có nickname A Cháng nói với phóng viên rằng, hoạt động này có thể thanh toán thông qua nền tảng ví điện tử như WeChat Pay hay Alipay. Nếu khách hàng mua nhiều hơn 15 lần, họ sẽ được giảm cước với giá chỉ 3 nhân dân tệ cho mỗi phút video theo yêu cầu. “Chúng tôi cần rất nhiều hình ảnh từ các góc độ khác nhau, ít nhất là 20 ảnh. Càng nhiều ảnh, video tạo ra sẽ càng chân thực”, một tài khoản được cho là “làm video khiêu dâm dạng deepfake chuyên nghiệp” đưa ra yêu cầu với người đặt hàng, được The Beijing News đăng tải. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân Chỉ cần thực hiện một tìm kiếm nhanh trên Internet Trung Quốc đã cho ra rất nhiều bài hướng dẫn mô tả chi tiết cách hoán đổi khuôn mặt trong ảnh và video bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo AI như FakeApp. Phần mềm này cho phép người dùng dễ dàng thay đổi gương mặt của nhân vật trong ảnh hoặc clip một cách dễ dàng. Sau đó, nó giúp người dùng tạo ra một video mới với dàn “diễn viên hoàn toàn khác” so với bản gốc. Ban đầu, cư dân mạng Trung Quốc vô cùng thích thú với những phần mềm kiểu này. Họ dùng để tạo ra các clip vui nhộn như chúc mừng sinh nhật hoặc “troll” ai đó mang tính chất giải trí. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi phần mềm này được sử dụng bởi những người xấu, có mục đích phạm tội. Trương Bái Chung - một chuyên gia về an ninh mạng ở Bắc Kinh - nói trên tờ The Beijing News rằng, phần mềm hoán đổi khuôn mặt chuyên dụng giúp những người bình thường cũng dễ dàng thực hiện các tác phẩm “deepfake”, tức là thay thế gương mặt nhân vật. Tất cả những gì họ phải làm là tải ảnh lên ứng dụng và làm theo các bước đã chỉ định sẵn.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân

“Chỉ cần bạn có một bức ảnh cá nhân được đăng tải công khai, nó đều có khả năng bị kẻ xấu khai thác”, ông Trương nói. Chuyên gia an ninh mạng này nhận định bản thân công nghệ không xấu nhưng nó đều có thể bị sử dụng cho mục đích tiêu cực nên trở thành xấu. Biến tướng của nó có thể tạo ra những số phận khác nhau chỉ sau một vài thao tác. Đặc biệt, khi phần tiêu cực nhắm vào những người nổi tiếng, họ có thể phải đối mặt với chuyện táng gia bại sản, gia đình ly tán hoặc vướng vào các cuộc thanh toán lẫn nhau. Một trong số những nội dung tiêu cực nhất mà cộng đồng mạng Trung Quốc đang lo sợ chính là bất cứ ai cũng có thể xuất hiện trong clip nội dung xấu, mang tính chất văn hoá phẩm đồi truỵ. Vì đối với những quốc gia tôn thờ văn hoá Á Đông và có những nơi vẫn nặng nề chuyện “nhân phẩm” thì việc một người nào đó để lộ clip nhạy cảm, clip sex chẳng khác nào nhận án tử. “Đôi khi, dư luận đủ sức giết chết một người còn nhanh hơn bệnh ung thư”, Trương Bái Chung cho biết. Không chỉ ở Trung Quốc, công nghệ hoán đổi khuôn mặt  từ lâu đã bị lạm dụng để tạo ra các video nhằm hạ uy tín, phỉ báng các nhân vật cấp cao và trở thành vấn nạn ngày càng tăng ở phương Tây. Tháng 3/2018, một video deepfake lan toả cực nhanh trên mạng xã hội khi gương mặt cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama bị ghép vào nhân vật phim khiêu dâm. Người ta xôn xao bàn tán khiến gia đình cựu Tổng thống Mỹ nhiều phen điêu đứng không biết giải thích ra sao. Không lâu sau, tháng 6/2018, video giả danh phát ngôn của Mark Zuckerberg làm “dậy sóng” các diễn đàn. Ông chủ Facebook sau đó mất rất nhiều thời gian để đính chính sự việc, nhưng mọi thứ dường như vẫn bắt Mark phải trả giá. Khối tài sản nhiều tỷ đô la và uy tín trên sàn chứng khoán của Facebook trồi sụt liên tục. Những nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Quốc hội Mỹ Nancy Pelosi cũng trở thành nạn nhân của trào lưu deepfake.   Nữ diễn viên Scarlett Johansson từng xuất hiện trong hàng chục video ghép mặt trên các trang phim khiêu dâm. Trước đó, cô từng bị hacker lấy trộm ảnh nhạy cảm trong điện thoại, bị lấy khuôn mặt ghép vào một robot tình dục. “Tự bảo vệ mình khỏi góc tối của Internet là một điều gần như không tưởng. Giống như nhiều thứ khác, Internet là nơi mà tình dục trở thành yếu tố được quan tâm nhất”, ngôi sao Hollywood bất lực chia sẻ sau khi cái tên Scarlett khiêu dâm liên tục trở thành từ khoá hot trên các trang tìm kiếm. Trước đây, những phần mềm được tạo ra bằng công nghệ hoán đổi gương mặt những người có sức ảnh hưởng theo hướng tích cực, vui nhộn được hưởng ứng trên Weibo. Thì nay, việc lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng cho phim khiêu dâm đã khiến trào lưu này bị biến tướng và trở nên nguy hiểm. “Những ứng dụng kiểu này đang ngày càng trở nên lén lút chứng tỏ người mua chúng không còn muốn sử dụng cho nhu cầu giải trí”, The Beijing News nhấn mạnh. Cuộc điều tra của tờ The Beijing News đã phát hiện ra nhiều nền tảng trở thành nơi bán dịch vụ deepfake với giá chưa tới 1 USD. Deepfake là công nghệ ghép khuôn mặt vào video bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Nó có thể gây hậu quả vô cùng lớn khi dùng sai cách. Xã hội có thể loạn lạc, con người có thể điêu đứng, quốc gia có thể điêu tàn vì những sản phẩm ngày càng cao của công nghệ. “Cho nên, khi công nghệ chưa ngăn được công nghệ, thì chính chúng ta phải là những người tự bảo vệ mình. Mạng xã hội không nên là nơi đăng tải quá nhiều hình ảnh bản thân. Người dùng cũng cần lưu tâm đến vấn đề bảo mật vì hacker xuất hiện bất cứ đâu, trong bóng tối”, Trương Bái Chung đưa ra lời cảnh báo. Deepfake đang là vấn nạn thời đại 4.0 ở Trung Quốc, nhưng cũng không loại trừ khả năng, nó sẽ lan truyền đến Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Lúc đó, sự an toàn của tất cả mọi người càng trở nên mong manh! Như Ý (Bài đăng trên Báo Tuổi trẻ&Đời sống số ra ngày thứ Năm 8/8/2019)
Quảng cáo